LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

17 tháng 3, 2009

Chùa Trấn Quốc - Viên ngọc giữa lòng Hồ Tây


Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. 

Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo phía đông của Hồ Tây, nên thuộc đất làng Yên Phụ, nơi có ngôi đình thờ thánh. Vào mùa xuân hằng năm dân làng tổ chức đám rước từ đình sang chùa rồi từ chùa về làng bằng cả một đoàn thuyền nối nhau cờ reo trống thúc tưng bừng.
Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế (541-547) ở gần sông Hồng, đến năm 1615, được dời vào vị trí ngày nay. Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Chùa là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần).

Trong các năm 1624, 1628 và 1639,chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.

Chùa còn có 14 tấm bia, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1639 và 1015...

Kiến trúc và điêu khắc của chùa có dấu ấn vào khoảng đầu thế kỷ 19. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là có tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.

Tháp chính trong vườn tháp chùa Trấn Quốc cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất nước Việt Nam, chùa Trấn Quốc có nhiều nếp nhà. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (I). Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của đất Bắc với lịch sử gần 1500 năm. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

(Sưu tầm)

Chùa Keo - huyền thoại văn hóa Việt


Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình.

Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.

Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này. 

Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa nước ta trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20 mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam.

Sự hòa trộn của hai nền kiến trúc ở đây không bị kiến trúc lai căng mà còn làm giàu thêm kiến trúc Việt Nam, giống như Phật giáo đã từ ấn Độ, Trung Hoa vào Việt Nam đã có thêm màu sắc tín ngưỡng nhân dân, trở thành Phật giáo Việt Nam.

Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con ngòi của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau.

Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796. 

Chùa là chốn thiền, là một khoảng không gian khép kín, không gian ấy không giống với chốn tu hành, thiên về sự khổ hạnh. Ở đây là một chốn thiền bao la trong suy tưởng cốt tìm đến trí và tuệ để giải thoát cuộc đời bể khổ.

Cho đến nay, chùa Keo đã tồn tại ngót 400 năm. Trong suốt thời gian ấy, chùa Keo vẫn trọn vẹn là một tác phẩm nghệ thuật, ghi đậm một tình cảm thẩm mỹ vừa thực, vừa huyền thoại của văn hóa Việt Nam.

(Sưu tầm)

Sự tích chiếc nhẫn in hình 7 ngôi sao


Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa, có 1 đôi nam nữ yêu nhau say đắm. Cô gái Hath rất xinh đẹp, thông minh và giàu có. Chàng trai Gimi nghèo khó, chẳng có gì ngoài tình yêu chân thành... 

Để làm đẹp mình hơn trong mắt người yêu, một hôm Hath quyết định vào tiệm duỗi tóc. Khi trở về, Hath xinh đẹp và lộng lẫy gấp ngàn lần hơn. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi nàng là người đẹp nhất thế gian. Lời đồn đến tai thần Venus. Nữ thần sắc đẹp rất tức giận vì Hath xinh đẹp hơn mình, nên bắt Hath phải chết. 

Và rồi nàng Hath chết, song sắc đẹp của nàng vẫn không tàn phai. Chàng Gimi đặt nàng nằm trong 1 chiếc quan tài bằng pha lê, và chàng quyết tâm đi đến cùng trời cuối đất tìm cách cứu nàng. Chàng đi ròng rã ngày này sang tháng khác, vượt qua bao nhiêu khó khăn, đi qua bao miền đất, giúp đỡ biết bao người dọc đường đi. Đến nơi chân trời xa kia, chàng gặp được vị thần Eros. Thần tình yêu cảm động trước chàng, thần chỉ tay lên bầu trời và dặn rằng:"Ở trong dãy thiên hà xa xôi kia, có 1 chùm sao gồm 7 ngôi sao băng. Con hãy đến đó, và hái cho được 1 ngôi sao băng sáng nhất. Vào ngày cuối cùng của tháng 7, con hãy ném ngôi sao ấy xuống trái đất, người con yêu sẽ tỉnh dậy. Nhưng sau đó, con sẽ phải biến thành 1 ngôi sao để thế chỗ cho ngôi sao băng đó, rồi suốt đời con sẽ chỉ là 1 ngôi sao. Con có chịu không?" 

Những ai được chết vì yêu là đang sống trong tình yêu, ta không quan tâm chuyện gì xảy ra, chỉ cần nàng được sống, chàng nghĩ. Và chàng tiếp tục lên đường. Chàng đã hái ngôi sao băng sáng nhất, chàng đã chờ đợi ngày ngày để ném nó xuống trái đất. Một ngày dài như một năm khi chờ đợi, chàng không thể chờ thêm được nữa. Chàng đã ném nó xuống trái đất trước 1 ngày. Đêm 30-7 năm đó, khi ngôi sao băng sáng nhất được ném xuống trái đất, gặp lực ma sát cực lớn của bầu khí quyển, nó đã vỡ tung ra thành hàng trăm mảnh nhỏ, làm sáng rực cả một vùng trời. Sau này, người ta gọi đó là mưa sao băng.

Ở nơi đó, trong chiếc quan tài pha lê tuyệt đẹp, nàng Hath vẫn nằm im, xinh đẹp. Mái tóc nàng mượt mà như suối nước, những ngón tay nàng nhỏ nhắn, mềm mại đến diệu kỳ. Cơ thể nàng vẫn lạnh ngắt. Chỉ 2 dòng nước mắt nóng chảy trên gò má nàng, chảy mãi, chảy mãi. Chàng Gimi giờ trở thành 1 ngồi sao. Vì quá thương nhớ nàng Hath mà chàng không thể thắp sáng nổi chính mình. Chàng dần mờ nhạt nhất trong cả chùm sao, mà sau này người ta gọi là chòm sao tình yêu.

Ngày nay, mỗi khi gặp mưa sao băng, chúng ta thường mơ ước 1 điều gì đó. Đặc biệt, nếu gặp được mưa sao băng trong đêm 30-7, những người yêu nhau luôn mơ ước mãi mãi không chia lìa. Sau này, khi sắp xếp lại bảng chữ cái, chữ cái đầu tiên của tên 2 người được đặt kề cạnh nhau, theo thứ tự chàng đi trước, nàng theo sau. Mong muốn 1 tình yêu bền lâu, những người yêu nhau cũng thường tặng nhau những chiếc nhẫn in hình 6 ngôi sao băng & 1 ngôi sao cô đơn mờ nhạt.

(Sưu tầm)