LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

10 tháng 4, 2009

An Giang quê tôi theo dòng lịch sử thăng trầm

An Giang là tỉnh địa đầu của miền tây nam Việt Nam. Trên bản đồ thế giới An Giang được định vị bằng 10º 22’ 54” (hay 10.3818º) bắc vĩ độ và 105º 26’ 17” (hay 105.4380º) đông kinh độ. Đất An Giang cao hơn mặt biển 45’ (hay 13,72m), đồng ruộng An Giang phì nhiêu, mênh mông, quanh năm thảo mộc xanh tươi bao phủ tận chân trời – dù chỉ là một phần của châu thổ sông Cửu Long. Theo RAP (Regional Office for Asia and Pacific) và FAO (Food and Agriculture Organization) của Liên Hiệp Quốc châu thổ sông Cửu Long trải rộng từ 104º 25’ đông kinh độ đến 106º 48’ đông kinh độ và từ 8º 35’ bắc vĩ độ đến 11º 03’ bắc vĩ độ. Đồng ruộng An Giang được nuôi dưỡng bằng hằng triệu thước khối trầm tích phù sa cung cấp bởi sông Tiền và sông Hậu, hai phụ lưu của dòng sông Cửu Long.

Xưa kia An Giang từng một thời vang bóng về nghề trồng dâu (mulberry growing), nuôi tầm (silkworm raising) và dệt lụa (silk weaving). Ngoài lúa gạo hằng năm sản xuất dẫn đầu toàn quốc, An Giang còn trồng bắp, các loại đậu, nuôi vịt, nuôi cá tôm, làm mắm và nước mắm. An Giang có nhiều nghề truyền thống như dệt lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm (xà rông, khăn khanh ma om, áo khoát, khăn quàng, …) Chàm ở Châu Giang, Châu Phong, Văn Giáo huyện Tân Châu, dệt lụa nạng Nhây, ấp Srây Skoth, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, dệt chiếu Uzu ở Tân Châu, nghề làm nhang, làm gạch, nghề nấu đường Thốt Nốt, nghề làm khô bò, lạp xưởng bò (người Chàm gọi là tùng lò mò), nghề làm mắm ở Châu Đốc, nghề làm tủ, bàn, ghế, khánh thờ ở Chợ Thủ. Ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới cũng nổi tiếng về nghề mộc, nghề rèn ở Phú Mỹ huyện Phú Tân và nghề làm các mặt hàng tiêu dùng.

Dấu tích nền văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam 2000 năm trước có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau công nguyên còn ghi lại tại địa phận núi Ba Thê được phát hiện khi thi công đào kinh sang Ba Thê. Năm 1940 các nhà khảo cổ dưới sự điều động của Louis Malleret thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO Ecole Francaise d’Extreme-Orient) đã khai quật được tại gò Tây Thi và chùa Linh Sơn nhiều hiện vật bằng vàng, đồng và đồ gốm gồm có tượng thần Vinus dài gần 3,35m, tượng thần Negasa, tượng Nam Thần. (chi tiết xin vào trang http://archaeology.about.com/od/oterms/g/oceo.htm). Dựa vào các dấu tích tìm thấy các sử gia cho rằng trước đây Óc Eo là một thương khẩu quốc tế thông ra vịnh Thái Lan, tấp nập thương thuyền đến từ các xứ xa xôi như La Mã, Ba Tư, Ấn Độ, vv… 

Về khoáng sản An Giang có mỏ vỏ sò (núi Ba Thê) dùng cho nông nghiệp chế biến thực phẩm gia súc, mỏ đá hoa cương (núi Sập) dùng cho kiến trúc, đá tràng thạch dùng làm đồ trang sức…
An Giang chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa nhiệt đới. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa nắng bắt đầu từ tháng chạp đến tháng tư và mùa mưa bắt đầu từ tháng năm đến tháng mười một. Nhiệt độ trung bình 27º C (87.4º F) biến thiên từ 26º C (78.8º F) vào tháng giêng đến 28º C (82.4º F) vào tháng năm. Mỗi năm vũ lượng trung bình từ 57” (1.45m) đến 59” (1.50m). Lụt lội thường xảy ra từ giữa tháng tám đến giữa tháng mười một.
Giờ An Giang bằng giờ quốc tế hay giờ UTC (Universal Time Co-ordinated) cộng thêm 7. Xin nhắc lại rằng theo qui ước giờ PST (Pacific Standard Time) bằng giờ UTC trừ cho 8.

Theo tư liệu của công ty Falling Rain Genomics, Inc. ngày nay sắp theo thứ tự ABC các địa danh của An Giang có kết quả như sau: A(215), B(20), C(31), D(3), G(6), H(18), K(4), L(10), M(8), N(10), P(80), S(17), T(17), V(12) và X(33) với tổng cộng 263 ấp (xem chi tiết tên các địa danh nầy xin vào trang nhà www.fallingrain.com/world/VM/index.html). Thí dụ với mẫu tự D An Giang có 3 địa danh là: Dong A, Dong Co Ki và Dong Duc.

Năm 1975, An Giang có dân số 1,406,800 người. Ngày nay theo thống kê mới nhất ngày 5 tháng 11 năm 2005, An Giang có dân số 2,113,429 người gồm 1,035,501 nam và 1,077,928 nữ. Trong số đó người Việt chiếm 94.24%, người Tàu 0.90%, người Chàm 0.63% và người Khmer 4.23%. Mật độ trung bình 598 người cho mỗi km² nói chung, riêng cho Long Xuyên là 2,418 người/ km² và Châu Đốc là 1,085/ km².

An Giang có diện tích 3,424 km². Lâm nghiệp chiếm 118 km² (rừng tràm Trà Sư rộng 845 ha, huyện Tịnh Biên, rừng tràm Bình Minh, huyện Tri Tôn), nông nghiệp 456,186 ha, vườn tượt 6,455 ha và ao hồ nuôi tôm cá 1,304 ha (1 ha = 2.471 acres và 1 km² = 100 ha = 247.1 acres)

An Giang có 104km tây bắc giáp Cambodia, 70km tây nam giáp tỉnh Kiên Giang, 45km nam giáp tỉnh Cần Thơ và 108km đông giáp tỉnh Đồng Tháp (1 km = 0.6214 mile và 1 mile = 1.609 km). Từ bắc chí nam dài nhất đo được 86km, từ đông sang tây rộng nhất đo được 87km.

Địa hình An Giang có hai dạng chính: dạng châu thổ sông Cửu Long và dạng núi đồi Tri Tôn, Tịnh Biên. Về dạng châu thổ sông Cửu Long, An Giang có hai sông lớn là sông Ông Chưởng (Lễ Thành Hầu hay Chưởng Binh Lễ Nguyễn Hữu Cảnh 1650 – 1700) và sông Long Xuyên.
Sông Ông Chưởng dài khoảng 20km, nơi rộng nhất 100m, nơi sâu nhất 8m (1 m = 39.37”) lưu lượng cực đại 800 m³/sec (1 m³ = 1.308 cubic yards). Sông Ông Chưởng bắt đầu từ sông Tiền Giang tại Chợ Mới và chấm dứt ở sông Hậu Giang tại cù lao Mỹ Hòa Hưng.
Sông Long Xuyên dài khoảng 18km, nơi rộng nhất 100m, nơi sâu nhất 8m lưu lượng cực đại 300 m³/sec. Sông Long Xuyên tận cùng ở sông Rạch Giá tỉnh Kiên Giang Ấn tượng về nét đẹp dịu dàng của dòng sông Long Xuyên đã gợi hứng cho nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác nhạc phẩm bất hủ “Giòng An Giang” mà Hội Ái Hữu An Giang chọn làm bản nhạc nền đồng ca trong mọi buổi sinh hoạt có phụ diễn văn nghệ.( Theo nhà thơ Vũ Uyên Giang, Anh Việt Thu mất ngày 15/3/1975. Ông viết bài thơ Ngày về An Hữu, tặng hương hồn người bạn quá cố).
Ngoài hai con sông chánh nêu trên An Giang còn có lắm rạch quan trọng khác như là Mương Khai, Cái Đầm, Cái Tắc, Cái Tàu Thượng, Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng và Cần Thảo vv… 

Thêm vào sông và rạch, An Giang có những kinh đào góp phần không nhỏ vào việc giao thông vận tài đường thủy và dẫn thủy nhập điền. Ta phải kể lần lượt những kinh đào sau đây:
- Kinh Thoại Hà do ông Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (người huyện Diên Phước, tỉnh Quãng Nam; sanh năm Tân Tỵ 25 tháng 11 năm 1761, mất năm Kỷ Sửu 6 tháng 6 năm 1829) đào vào mùa xuân Mậu Dần (1818), thừa lệnh vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh 1762 – 1820). Từ đó núi Sập còn gọi là núi Thoại Sơn.
Kinh Thoại Hà nối Long Xuyên tại Vĩnh Trạch với Kiên Giang tại sông Rạch Giá. Kinh có bề ngang 51m, chiều dài 31.47km được hoàn thành với thời gian kỷ lục hơn hai tháng với gần 2,000 sưu dân.
- Kinh Vĩnh Tế (do tên bà nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế của ông Thoại Ngọc Hầu) cũng do ông Thoại Ngọc Hầu đào, bắt đầu từ tháng chạp năm Kỹ Mão 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành. Kinh Vĩnh Tế nối sông Hậu Giang (Châu Đốc) với sông Hương Thành (Hà Tiên) rồi chảy ra vịnh Thái Lan. Kinh Vĩnh Tế dài gần 90km do sự thi công của gần 80,000 sưu dân.

Ngoài kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu còn đào kinh Chỉnh An nối liền Tiền Giang với Hậu Giang.
Thoại Ngọc Hầu còn có công xây đấp nhiều trục lộ giao thông. Ngày nay ta chỉ còn trục lộ nối chợ Châu Đốc với núi Sam. Có tài liệu ghi lại rằng trục lộ nầy được Thoại Ngọc Hầu hoàn tất trong hai năm 1826 – 1827. Dân cư ở vùng này đặt tên cho trục lộ ấy là đường Bảo Hộ Thoại.
Công ơn to lớn của Thoại Ngọc Hầu đã được dân chúng ghi tạc vào bia đá dựng cạnh lăng Thoại Ngọc Hầu cùng với mộ phần của hai phu nhân của ông.
An Giang còn có kinh Trà Sư đào vào năm 1830, kinh Thần Nông (1882), kinh Vàm Xáng (1914), Vàm Răng, Luỳnh Huỳnh, Vàm Rầy, Kiên Lương, Tám Ngàn, Tri Tôn (Kinh Xáng Vịnh Tre), Ba Thê, Cái Sắn, Mặc Cần Dưng, kinh mới,…

Ngoài hệ thống song rạch, kinh đào An Giang còn có nhiều hồ như hồ Nguyễn Du tại làng Bình Đức thành phố Long Xuyên, hồ Búng Bình Thiên lớn, hồ Búng Bình Thiên nhỏ thuộc ba xã Khánh An, Khánh Bình và Nhơn Hội của huyện An Phú, hồ Soài So, hồ Ô Tức Xa, hồ Cây Đuốc thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, hồ An Hảo, Thủy Liêm thuộc vùng núi Cấm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Về suối, An Giang có suối An Hảo, suối Thanh Long, suối Tiên thuộc vùng núi Cấm, suối Vàng, suối Ô Tà Sóc, suối Khe Đá thuộc vùng núi Giài huyện Tri Tôn, suối Ô Thum, suối Ô Soài So (hay suối Bạc) thuộc vùng núi Cô Tô.

Nói về địa hình núi đồi An Giang ta có thể chia làm 8 vùng riêng biệt:
1. Vùng núi Thoại Sơn gồm núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cao. Núi Sập cao lớn nhất cao 85m, đường viền 3.8km.
2. Vùng núi Ba Thê gồm núi Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng (hay Liên Hoa Sơn), núi Trọi và núi Chóc. Núi Ba Thê cao lớn nhất, cao 221m, đường viền 4.22km.
3. Vùng núi Tịnh Biên huyện Châu Phú gồm 13 núi: núi Phú Cường (Tà Péc), núi Giài, núi Két (Ô Thước Sơn hay Anh Vũ Sơn), núi Rô, núi Trà Sư, núi Bà Vải, núi Đất Lớn, núi Bà Đắt, núi Cậu, núi Đất Nhỏ, núi Mo Tâu, núi Chùa và núi Tà Nung. Núi Phú Cường cao lớn nhất, cao 282m, đường viền 9.5km.
4. Vùng núi Cấm thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên gồm 7 núi (Thất Sơn): núi Cấm (Thiên Cấm Sơn cũng còn được gọi là Bạch Hổ Sơn), núi Bà Đội ( Om), núi Nam Qui, núi Bà Khẹt, núi Tà Lọt, núi Ba Xoài và núi Tà Lanh. Núi Cấm cao lớn nhất, cao 716m, đường viền 28.6km.
5. Vùng núi Giài (hay núi Giài 5 giếng ) thuộc huyên Tri Tôn gồm núi Giài (Ngọa Long Sơn hay Ngũ Hổ Sơn), núi Tượng (Kỳ lân Sơn), núi Nước (Bích Thủy Sơn hay Thủy Đầu Sơn) và núi Tà Lơn. Núi Giài cao lớn nhất cao 554m, đường viền 21,62km. (Theo tài liệu của Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu).
6. Vùng núi Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn, có núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn, người Khmer gọi là Pnom Kto), núi Tức Dụp, núi Tà Pạ. Núi Cô Tô cao 614m, đường viền 14.37km, núi Tức Dụp cao 216m, đường viền 2.20km, núi Tà Pạ cao 120m, đường viền 14.38km.
7. Vùng núi Nổi thuộc huyện An Phú. Núi Nổi cao 10m, đường viền 3.20km.
8. Vùng núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc. Núi Sam cao 228m, đường viền 5.20km còn được gọi là Học Lãnh Sơn hay Vĩnh Tế Sơn.

Ngược dòng thời gian từ 1975 đến thế kỷ XVIII ta có thể chia lịch sử An Giang thành ba thời kỳ: 1700 – 1867, 1867 – 1945 và 1945 – 1975.
Trong thời kỳ 1700 – 1867, An Giang có tên gọi là Tầm Phong Long thuộc nước Thủy Chân Lạp. Năm Đinh Sửu 1757 vua Thủy Chân Lạp là Nặc Tông cắt dâng Tầm Phong Long cho Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) để đền ơn giúp Thủy Chân Lạp tiêu trừ nội loạn.
An Giang bấy gời gồm 3 đạo: đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), đạo Tân Châu (Hậu Giang) và đạo Châu Đốc. Thời chúa Nguyễn, đất Nam Kỳ được chia làm 4 dinh: Long Hồ, Trấn Biên (Biên Hòa), Trấn Phiên (Gia Định) và Trấn Đinh (Định Tường). Đất An Giang thuộc về dinh Long Hồ. Đến đời vua Gia Long (Thế Tổ Cao Hoàng Đế Nguyễn Phúc Ánh, sanh 8 tháng 2 năm 1762 mất 3 tháng 2 năm 1820) vào năm 1805 Nam Kỳ được chia lại thành 5 trấn, trong đó trấn Vĩnh Thành do An Giang và Vĩnh Long nhập lại. Đến đời vua Minh Mạng (Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Nguyễn Phúc Kiểu hay Nguyễn Phúc Đảm 1791 – 1841) năm 1832 gọi Nam Kỳ là Gia Định và cải danh trấn thành tỉnh và An Giang thành một tỉnh biệt lập. Đến đời vua Tự Đức (Dực Tông Anh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thì hay Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 1847 – 1883) cải tổ An Giang lại gồm 3 phủ và 10 huyện.

Thời kỳ 1867 – 1945. Ngày 5 tháng giêng 1876, thừa lệnh chánh phủ thực dân Pháp, Tổng chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh Pháp là đô đốc (admiral) Duperré (Victor Guy Duperré, baron, 1775 – 1846) bải bỏ hệ thống lục tỉnh của Nam Kỳ và chia Nam Kỳ lại thành 4 khu vực hành chánh (administrative sector) gồm 19 hạt. Bốn khu vực đó là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bassac (Hậu Giang). Mỗi khu vực lại được chia thành nhiều tiểu khu hành chánh. Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc thuộc khu vực Vĩnh Long. Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Sóc Trăng và Rạch Giá thuộc khu vực Bassac. Tỉnh Hà Tiên trước đây nay được chia lại thành 2 hạt: Rạch Giá và Hà Tiên.

Thời kỳ 1945 – 1954. Vào thời kỳ này Nam Kỳ có 21 tỉnh. Tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Hồng Ngự, Tân Châu và Châu Phú. Tỉnh Long Xuyên được thành lập từ năm 1899 có 3 quận: Chợ Mới, Thốt Nốt và Châu Thành. Đến năm 1953, Long Xuyên thành lập thêm 2 quận Núi Sập và Lấp Vò.

Thời kỳ 1954 – 1975. Năm 1955 Tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên và Hồng Ngự với 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận: Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt và Lấp Vò với 47 xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm (sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 Huế, mất ngày 2 tháng 11 năm 1963 Sài Gòn) ký sắc lệnh 143/VN xác nhận địa phận Nam Việt Nam gồm đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Tỉnh An Giang gồm 2 tỉnh trước kia là Châu Đốc và Long Xuyên nhập lại. Bấy giờ An Giang gồm có 8 quận: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn và Núi Sập với 19 tổng và 96 xã. Đến ngày 6 tháng 8 năm 1957 chính quyền thành lập thêm quận An Phú gồm 13 xã tách ra từ quận Châu Phú trước đây. Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 264/VN tỉnh An Giang trước đây nay được tách ra thành 2 tỉnh là An Giang (5 quận, 16 tổng, 38 xã) và Châu Đốc (5 quận, 16 tổng, 57 xã). Từ bấy giờ cho đến 1975 tỉnh Long Xuyên dược đặt tên lại là tỉnh An Giang.
Ngày nay An Giang có 11 đơn vị hành chánh phân chia như sau: Tỉnh lỵ là thành phố Long Xuyên, thị xã là Châu Đốc và 9 huyện là An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn với 12 thị trấn, 118 xã và 12 phường. 
Đồng ruộng mênh mông, núi non hùng vĩ do tạo hóa ban cho, thêm vào đó bao nhiêu là công ơn vô bờ bến của những bậc tiền nhân anh hung trong việc mở mang cũng như giữ gìn bờ cõi đã tạo dựng cho An Giang một miền quê hương gấm vóc, phong cảnh hữu tình khiến cho ta rất dễ hiểu vì sao An Giang có quá nhiều địa danh, nhiều thắng cảnh danh lam và di tích lịch sử thuộc vùng núi Sam, núi Cấm, núi Cô Tô, núi Sập và núi Ba Thê.
Vùng núi Sam, ta gọi là núi Sam (hay Học Lãnh Sơn) có lẽ là vì nhìn từ xa ngọn núi nầy có dáng dấp dễ thương của một con sam bám vào cánh đồng xanh mênh mông; cũng có thể là vì vào một thời quá xa xưa nào đó nguyên thủy của nó là một hòn đảo qui tụ xung quanh không biết bao nhiêu là sam. Hè sang, hoa phượng nở rộ một màu đỏ tươi rực rỡ hòa hợp với màu xanh của đồng cỏ, thử hỏi còn phong cảnh nào hữu tình cho bằng! Phong cảnh hữu tình nầy trọn đời ôm ấp vào lòng mình nhiều kiến trúc hài hòa cũng như di tích lịch sử Thánh Miếu Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang, Đồi Bạch Vân, Đền Thờ Nguyễn Hữu Cảnh và pháo đài trên núi.
Tương truyền Thánh Miếu Chúa Xứ được xây dựng vào năm 1820 ngày 25 tháng 4 âm lịch. Đó cũng là ngày bức tượng đá của Bà được an vị trong miếu ở chân núi Sam. Hằng năm khách thập phương đến cúng vái, khẩn cầu rất đông từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch gọi là dự lễ Vía Bà.
Chùa Tây An, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, được quan Tổng Đốc Mưu Lược Tướng Tu Tĩnh Doãn xây vào năm 1847 nhằm năm vua Thiệu Trị thứ 7 tại thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên. Hai câu ca dao:
Chiều chiều én liệng non Tây
Cảm thương đức trọng Phật Thầy Tây An.

được truyền tụng cho đến ngày hôm nay nói lên đức hạnh vô biên cứu dân độ thế của đức Phật Thầy Tây An vào thời đó. Đức Phật Thầy Tây An chính danh là Đoàn Minh Huyên sinh ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mão 1807 tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc. Ngài viên tịch ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1856.
Vào năm 1849, Ngài khai thị pháp môn học Phật tu nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương, tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo, tại chùa Tây An. Chùa đã được trùng tu hai lần, lần thứ nhất năm 1861 do đại lão hòa thượng Nhất Thừa chủ trì và lần thứ hai năm 1958 do thiền sư Bửu Thọ chủ trì.
Lăng Thoại Ngọc Hầu là một kiến trúc đồ sộ hoành tráng nhất ở chân núi Sam. Lăng thờ ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân được xây vào năm 1930 (Xin xem lại tiểu sử ông Thoại Ngọc Hầu ở phần trên).
Đồi Bạch Vân còn có tên gọi là núi Nhỏ. Nhìn từ xa, núi Sam có hình con Sam thì đầu con sam chính là đồi Bạch Vân. Đồi hướng về phía bắc, cao khoảng 100m. Trên đồi có am Bạch Vân xây vào năm 1942, ngoài am Bạch Vân còn có nhiều miếu và am khác.
Vườn Tao Ngộ nằm lưng chừng núi phía đồi Bạch Vân là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du nhàn.
Chùa Hang hay chùa Phước Điên Tự nằm choi loi bên triền phía tây núi Sam. Tương truyền trong hang có cặp rắn rất lớn là Bạch Xà và Thanh Xà mãi nghe tiếng kinh kệ và hít thở bằng khói nhang mà thuần tánh, ban ngày bò ra ngoài hang gìn giữ an ninh cho chùa, ban đêm thì ăn hoa quả của khách thập phương mang đến chùa cúng vái. Chùa Hang được xây vào khoảng 1840 – 1845 đến năm 1946 được hòa thượng Nguyễn Văn Luân tu sửa.
Pháo đài là ngôi tháp cao trên đỉnh núi Sam. Pháo đài được xây vào năm 1896 thời Pháp thuộc. Tháp có hình trôn ốc. Bên cạnh pháo đài là chùa Giác Hương Tự có hậu cảnh rất rộng.
Vùng núi Cấm. Vùng nầy còn được gọi là Đà Lạt của miền Tây. Lý do khí hậu ở đó mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình vào khoảng 25ºC hay 77ºF, thảo mộc phong phú xanh tươi và nhiều cây hiếm quý. Có tên núi Cấm vì theo truyền thuyết địa thế của nó quá uy nghi, hiểm trở, đầy bí ẩn chỉ dành cho những bậc cao nhân siêu hình đi về từ thiên đình lai vãng mà thôi. Cũng có lý do là vì lúc bị quân nhà Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh đã tháo chạy lên núi ẩn thân nên cấm không cho ai được lui tới. Núi Cấm có phong cảnh đầy cẩm tú sơn kỳ. Mỗi đỉnh trong đám quần sơn của núi Cấm còn được dân địa phương gọi là vồ. Nào là vồ Bò Hong (716m), vồ Thiên Tuế (514m), vồ Bạch Tượng, vồ Ông Bướm (480m), vồ Đầu (584m), vồ Pháo Binh, vồ Mồ Côi, và vồ Bà (579m). Vồ Bò Hong cao nhất (716m) đứng nơi đây vào những khi trời quang mây tạnh ta có thể phóng tầm nhìn ra xa đến tận vùng biển Hà Tiên. Có lẽ chính vì thế mà người ta còn gọi vồ Bồ Hong là nóc nhà của vùng châu thổ sông Cửu Long.
Tương truyền “năm non” ám chỉ 5 vồ: vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Thiên Tuế và vồ Ông Bướm theo thứ tự từ cao xuống thấp. Còn “bảy núi” ám chỉ núi Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội, núi Cấm, Núi Giài, núi Tượng và núi Cô Tô.
Núi Cấm còn có nhiều điện thiên nhiên và nhiều suối. Nào là điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện 13 Tầng, điện Kín, điện Cây Quế và điện 10 Cô. Nào là suối Anh Hảo, suối Tiên, suối Thanh Long quanh năm nước chảy tuôn tràn. Núi Cấm còn có nhiều hang động kỳ thú mà tiêu biểu hơn hết là động Thủy Tiên. Dọc đường lên vồ Bồ Hong ta thấy rất nhiều chùa như là Chùa Vạn Linh, Chùa Phật Lớn, Chùa Phật Nhỏ, Chùa Trung Sơn Tự và các chùa nhỏ khác.
Chùa Vạn Linh hay Chùa Lá do ông Nguyễn Văn Xứng phương danh là Thượng Thiện Hạ Quang (sinh tại Bến Tre năm 1895) dựng lên vào năm 1929. Năm 1940 Chùa Lá được hòa thượng Thượng Thiện Hạ Quang trùng tu lần thứ nhất và cải danh Chùa Lá thành Chùa Vạn Linh Tự. Lần thứ hai chùa được trùng tu vào năm 1943. Trước Chùa Vạn Linh Tự là hồ Thủy Liêm rất lớn chiếm một khoảng diện tích 56,000m² và có trử lượng nước 210,000m³ trong sạch thừa khả năng cung cấp cho hơn 500 đơn vị gia cư quanh vùng.

Vùng núi Cô Tô. Vùng nầy chưa được khai phá nhiều nên quang cảnh rất an nhàn tĩnh lặng. Ngọn Cô Tô hay Phụng Hoàng Sơn hay Phnom Kto cao 614m đứng sừng sững giữa trời. Dưới chân núi Cô Tô là hồ Soài So phẳng lặng, dịu dàng. Hồ Soài So có diện tích gần 5 ha, mang một trử lượng nước gần 400,000m³ cung cấp cho hơn 150,000 cư dân. Rải rác dưới chân núi Cô Tô và ven hồ Soài So có rất nhiều chùa, miếu lớn nhỏ tạo them cho phong cảnh quanh vùng đã hữu tình lại thêm nhiều cẩm tú.

Vùng núi Sập. Núi Sập cũng là một núi nổi tiếng trong quần sơn gồm năm núi (Ngũ Sơn): núi Sập, núi Ba Thê, Núi Cấm, núi Tức Dụp và núi Sam. Dân địa phương còn gán cho vùng núi Sập một mỹ danh là Tiểu Phong Nha của miền Tây. Dưới chân núi có dựng tượng ông Thoại Ngọc Hầu cao hơn 10m. Lưng chừng núi có chùa, miếu nằm lưa thưa và một hang động nhỏ là hang Dơi. Cánh sườn phía tây núi Sập có hồ số 1, hồ số 2 và hồ Thoại Sơn tô thắm thêm quang cảnh vùng núi Sập.

Vùng núi Ba Thê. Vùng nầy nổi tiếng với di tích Óc Eo, nền văn minh xa xưa của xứ Phù Nam. Vùng núi Ba Thê còn có nhiều danh thắng khác như là hang Ông Hổ, Bàn Chân Tiên, Thanh Đại Đao và Linh Sơn Tự. Đỉnh của núi Ba Thê còn được gọi là chót Ông Tà cao 221m có miếu Sơn Thần thờ Thần Nông. Những lúc trời trong, đứng trên chót Ông Tà ta có thể nhìn thấy đồng lúa Long Xuyên, Rạch Giá, vùng Thất Sơn và Tri Tôn.

Song song với những thắng cảnh thiên nhiên mà tạo hóa đã ưu ái ban cho An Giang còn rất nhiều di tích cổ rất nổi tiếng như chùa, đình, đền v.v… đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.
Chùa Tam Bảo được tổ họ Ngô, húy là Lợi bổn đạo Ngài là Đức Bổn Sư Ngô Lợi xây năm 1882. Ngài sinh năm Canh Dần 1829, viên tịch năm 1890. Chùa nằm rất gần chân núi Tượng về phía đông cách núi chừng 10m thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, thị Xã Châu Đốc. Lần thứ nhất chùa được trùng tu vào năm 1885 (tài liệu Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, tác giả Hà Tân Dân), lần thứ hai vào năm 1888. Chánh điện của chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, Hôi Đồng Thượng Phật, Cửu Huyền Bá Tánh, Thập Phương, Hộ Pháp, Chánh Tăng, Phật Vương, Phật Thầy (1849 – 1856), Phật Trùm (1868 – 1875), Sư Vải Bán Khoai (1901 – 1902) (tài liệu Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn, tác giả Nguyễn Văn Hầu)

Chùa An Hòa Tự được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước (chi tiết xin vào trang nhà www.nguyenhuynhmai.com/default.asp?FAQID=2250&page=2). Chùa tọa lạc tại làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, thị xã Châu Đốc. Chùa An Hòa Tự là nơi Đức Huỳnh Phú Sổ (đản sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1939) đã khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo và ban cho bổn đạo bài pháp luận đầu tiên. Chùa cũng là nơi Đức Giáo Chủ chửa bệnh cứu nhân độ thế cho bá tánh. Sau ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi nhằm ngày 16 tháng 4 năm 1947 không có ai rõ tin tức về Ngài (theo Khải ngôn trong Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ do Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo ấn hành 2004). Từ ngôi chùa An Hòa Tự này cơ sở PGHH đã phát huy thêm 213 chùa chiền tu viện, 468 đọc giảng đường và 2876 văn phòng.
(chi tiết xin vào trang nhà http://hoahaobuddhism.org/unicode/lichsupghh.html)

Chùa Nam Long tọa lạc tại ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, thị xã Châu Đốc, bên bờ rạch Cốc. Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi Quản Cơ Trần Văn Thành. Về sau được Hòa Thượng Nhựt Tảo (tên thật là Nguyễn Hiền Lương có biệt danh là Ông Chín Tửu) trụ trì trùng tu. Trên cao là chánh điện có bức hoành “Đại Hùng Bửu Điện”, dưới là bức trướng đỏ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Bàn tam cấp thờ 5 bài vị theo thứ tự từ phía trên cao xuống là: Cung Thỉnh Bửu Sơn Kỳ Hương chứng minh, Nam Mô Cửu Huyền Bá Tánh Chi Vị, Trần Phủ Đức Ông, Trần Phủ Đức Bà và cuối cùng là Chi Vị.

Chùa Hòa Thạnh còn gọi là chùa Cây Mít tọa lạc tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên xây vào thế kỷ XIX. Hòa Thượng Diên Minh hội viên hội Thường Trợ của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học trùng tu vào những năm 1921, 1923. Chùa có rất nhiều tượng cỗ nghệ thuật quý giá.

Chùa Phú Thạnh Cũng gọi là chùa Truông tọa lạc tại ấp Long Châu 6, xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc. Chùa được xây vào giữa thế kỷ XIX, trùng tu vào năm 1934.

Chùa Long Hưng Tự hay chùa Giồng Thành Long là một di tích lịch sử thuộc xã Long Sơn, huyện Phú Tân, thị xã Châu Đốc. Chùa được Hòa Thượng Trần Minh Lý xây cất năm 1875. Sau đó đã được trùng tu 4 lần. Tại đây tổ chức Cờ Xanh, Cờ Vàng của Phan Xích Long thành lập phong trào yêu nước đứng lên chống chủ nghĩa thực dân Pháp.

Chùa Xà Tón ( Xvâyton) của người Khmer (tiếng Khmer “xvây” có nghĩa là đàn khỉ và “ton” là đánh đu) xây dựng vào năm 1896. Lần thứ nhất chùa được trùng tu vào năm 1933. Chùa Xà Tón được sơn phết bằng ba màu chính là đỏ, xanh và vàng rất rực rỡ, theo lối kiến trúc đặc thù của dân tộc Khmer. Chánh diện xây theo hướng đông tây, hai mái cong vút gợi hình xà thần Naga biểu tượng sự dũng mãnh, uy phong, bất diệt. Chính điện thờ một tượng Phật duy nhất rất cao lớn. Trên đỉnh chính điện là tượng thần Bayon bằng đá có bốn mắt. Mỗi năm chùa Xà Tón cử hành năm lễ hội lớn:
- Lễ Chol Chnam Thmay mừng năm mới vào tháng 4.
- Lễ Phật mừng Phật đản sanh vào tháng 4.
- Lễ Pisat Bochia nhớ ơn Phật.
- Lễ Pha Chum Bênh hay lễ Đôn Ta tưởng niệm tổ tiên Ông Bà.
- Lễ Cà Than mua sắm y phục cho sư vãi.

Chùa Ông Bắc (Quãng Đông Tỉnh Hội Quán Bắc Du Chơn) tọa lạc tại trung tâm thành phố Long Xuyên trên đường Quang Trung gần đầu cầu Duy Tân. Chùa Ông Bắc là di tích kiến trúc chính thống Quãng Đông có hình chữ Quốc phản ảnh mô hình các ngôi nhà quan lại thời phong kiến xa xưa ở Quãng Đông Trung Quốc. Chùa có rất nhiều cổ vật, màu sắc bên trong được tô điểm rực rỡ huy hoàng với phong thủy, hoa văn, liễn đối chạm trổ tinh vi.


Về đền, tiêu biểu có đền Nguyễn Trung Trực và đền Quản Cơ Trần Văn Thành.
Đền Nguyễn Trung Trực tọa lại tại xã Long Kiến, huyện Chợ Mới thành phố Long Xuyên. Ông Nguyễn Trung Trực sanh năm Mậu Tuất 1838 tại huyện Cửu An, Phủ Tân An, tỉnh Long An là vị anh hung áo vải có công lớn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm thực dân Pháp. Việt Sử Toàn Thư ( trang 644) của Phan Văn Sơn có ghi lại rằng vào năm Nguyễn Trung Trực 23 tuổi, ngày 11 tháng 12 năm 1861 cùng với 150 lính nghĩa binh chiêu dụng Ông đã dung 3 ghe lớn và một số xuồng nhỏ giả dạng đám cưới tại vàm sông Nhật Tảo dung hỏa công đốt cháy ruội chiến hạm (warship) Espérance của Pháp (xin đọc thêm tài liệu The Rough Guide to Vietnam cuả Jan Dodd và Mark Lewis trang 178). Ông bị thực dân Pháp bắt rồi xử trảm ngày 27 tháng 10 năm 1868. Tương truyền liền sau khi đầu lìa khỏi cổ Ông đã nhảy tới dùng hai tay nâng đầu mình đặt vào cổ trở lại rồi ngã xuống chết hóa thành thần. Bổn đạo Phật Giáo Hòa Hảo lập đền Nguyễn Trung Trực để thờ và tôn vinh Ông.

Đền Quản Cơ Trần Văn Thành được Ông Trần Văn Nhu là con xây dựng vào năm 1897 tại Láng Linh, xã Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Quản Cơ là binh chức của Ông Trần Văn Thành, dân chúng kính mộ còn gọi Ông là Đức Cố Quản, Đền được dựng lên thờ Ông để tưởng nhớ Ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa từ năm 1867 đến năm 1873. Đền cũng là nơi tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chống chính phủ thực dân Pháp.

Về đình, An Giang có rất nhiều đình nổi tiếng: đình Châu Phú, đình Thới Sơn, đình Mỹ Phước, đình Bình Đức, đình Mỹ Thới,… Trong đó tiêu biểu là đình Châu Phú và đình Thới Sơn.
Đình Châu Phú được xây dựng trên một thế kỷ. Mặt đình nhìn ra sông Hậu Giang, tọa lạc ngay góc đường Trần Hưng Đạo và Bảo Hộ Thoại được đánh giá là lớn và đẹp nhất Miền Nam. Diện tích cơ sở rộng hơn 2,000m², đình thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hay Nguyễn Hữu Kĩnh. Ông là con của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, hậu duệ của Ức Trai Nguyễn Trải. Nguyễn Hữu Cảnh sinh tại làng Chưởng Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Hữu Cảnh là một danh tướng lẫy lừng, người đã sáng lập ra đất Sài Gòn và đặt nền tảng hành chánh đầu tiên cho Nam Kỳ. Ông được vua phong rất nhiều danh vị như là Đô Đốc Thống Chế, Dinh Thành Cơ, Thượng Đẳng Thần, Khai Quốc Công Hầu, Lễ Thành Hầu, v.v…
Ngoài An Giang, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có đền thờ ở tỉnh Đồng Nai, tỉnh Quảng Bình quê hương Ông và kể cả thủ đô Phnom Penh của nước Cambodia.

Đình Thới Sơn do Ông Đoàn Minh Huyên cùng với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương xây cất năm 1851. Đình Thới Sơn tọa lạc tại ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc. Đình được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1956. Trước sân đình có bàn thờ tổ quốc, Thần Nông và các miếu nhỏ thờ Bạch Mã, Sơn Quân và Chiến Sĩ Trận Vong. Chánh điện thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, các khánh thờ chạm trổ tinh vi hình bát thiên, cuốn thư, triền chi, hoa và điểu thú.

An Giang còn có nhà thờ cổ Cù Lao Giêng. Gọi là nhà thờ Cù Lao Giêng và được xây tại Cù Lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới năm 1872. Cho mãi tới năm 1946 nhà thờ Cù Lao Giêng mới nổi tiếng là nơi đào tạo linh mục và cũng là nơi họ đạo dòng nữ tu Chúa Quan Phòng (Providence) do người Pháp lập ra. Thời thực dân Pháp, nhà thờ Cù Lao Giêng chuyên nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật cũng như người già yếu bệnh hoạn. Nhà thờ Cù Lao Giêng rất được nhiều giáo xứ nam Việt Nam và Cambodia biết đến.

Sau cùng An Giang cũng có thánh đường Hồi Giáo. Đó là thánh đường Mubarak tọa lạc tại xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, thị xã Châu Đốc. Sau nầy được kiến trúc sư người Ấn Độ tên là Mohamet Amin trùng tu.
Theo thống kê năm 1999, Việt Nam có 63,146 tín đồ Hồi Giáo, tỉnh Ninh Thuận 34%, tỉnh Bình Thuận 24%, Sài Gòn 9%, Châu Thổ sông Cửu Long chủ yếu là An Giang 22%, còn lại 11% sống rải rác khắp nơi trong nước.
Thánh đường Mubarak thờ đáng Allah và giáo chủ Muhammad (sinh tại Mecca, nước Saudi Arabia năm 570 sau Công Nguyên, mất tại Medina nước Saudi Arabia năm 632). Mỗi năm thánh đường cử hành lễ Muharram mừng năm Hồi mới, lễ Mawlid al – Nabi mừng sinh nhật đáng giáo chủ Muhammad, lễ Ramadan thực hiện một tháng ăn chay, lễ Eid al – Fitr mừng ngày Ramadan chấm dứt và lễ Eid al – Adha mà người Chàm thường gọi là lễ Roja là lễ hành hương đến thánh địa Mecca.

Bài viết trên đây chẳng qua chỉ là một sự góp nhặt và sưu tầm một số tài liệu xưa và nay, chắc chắn còn nhiều vụng về, lầm lỗi cũng như thiếu xót. Kính mong những bậc cao minh, quý thầy, quý cô và các bạn hữu xa gần minh thị chỉ giáo xây dựng cho.

Sưu tầm từ bài viết của TN (Cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu)


Bài hát: An Giang Quê Tôi

An Giang miền quê hương của cây xanh, bóng dừa

An Giang hàng cau thưa đứng nghiên nghiên bên cầu
An Giang thuyền ngược xuôi suốt con sông hiền hòa
Ai đến thăm quê hương tôi lòng không nỡ xa chỉ vì tình người

Kìa đàn cò tung cánh bay, 
Về miền xa ruộng xanh tít xa
Đôi bóng trâu đàn lang thang bên bờ đê
Gập gềnh đường xa phố xa 
Dịu dàng nàng thôn nữ xinh 
Quang gánh trên đường, thân ái trao nụ cười

Kìa dòng Cửu Long uốn quanh
Chạy về Tiền Giang Thất Sơn
Tơi mát quanh năm tô duyên thêm Hậu Giang
Thuyền bè đầy khoang cá tôm
Ruộng vườn phù sa lúa thơm
Mưa nắng hai mùa êm ấm tình Hậu Giang

An Giang miền quê hương của cây ngọt trái lành
Ai ơi về An giang nhắn cho tôi bao tình
Xa xôi, bụi thời gian có phôi phai kỷ niệm
Tôi vẫn thương hoài ngàn đời thời niên thiếu hoa mộng nơi quê tôi

Nhà nổi Trilobis 65

Trilobis 65 là một môi trường nhà ở bán ngập nước cao 20 mét được Giancarlo Zema thiết kế cho nhà ở có 6 người ở biển. Đó là nơi lí tưởng cho cuộc sống ở vịnh, đảo san hô vòng và những vườn đại dương. Mục tiêu chính của dự án này là để mọi người được sống trong một môi trường duy nhất thông qua một nơi ở tự cung tự cấp, không bị ô nhiễm và hòa hợp với môi trường đại dương bao quanh.

Trilobis được thiết kế ở 4 độ cao khác nhau được liên kết với nhau bởi một chiếc cấu thang xoắn ốc.
Tầng cao nhất là 3,5 mét trên mực nước biển, tầng tiếp theo là 1,4 mét trên mực nước biển và đón ánh nắng mặt trời theo mọi hướng và để không khí ngoài trời vào trong. Tầng thứ 3 được đặt ở vị trí 0,8 mét dưới mực nước biển bán ngập nước và hoàn toàn thuộc về khu vực ban đêm. Ở mức 3 mét dưới mực nước biển, hoàn toàn ngập nước có một đài quan sát dưới nước, một nơi trung gian chặt chẽ.

Hình dạng của Trilobis 65 cho phép kết dính hình khuyên gồm nhiều khối cấu kiện hơn, tạo nên một quần đảo.Dự án đặc biệt này liên quan đến những sinh vật nhỏ Trilobiti sống dưới biển 500 triệu năm trước đây.

Liên hệ với liên hiệp phương tiện vận tải đường biển để biết thêm chi tiết liên quan đến nhà nổi truyền thống và bộ phận quan sát dưới biển về nhà ở cạnh sườn vách đá Neptus 60. Mọi ngôi nhà được thiết kế theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt ABS và chứng nhận của Lloyds.

Chiều dài tối đa:20 mt
Chiều rộng tối đa:13 mt
Đài quan sát:3mt o.s.l
Tốc độ tối đa: 7 knots
Chỗ ở:6 giường
Tùy chọn nguồn năng lượng:nhiên liệu quang điện, năng lượng mặt trời, sức gió, dầu diesel

Bài báo từ Popular Mechanis - bìa tạp chí tháng 11/2002
Bài của Jim Wilson, tổng biên tập tạp chí khoa học Popular Mechanics


Các nhà chuyên gia nói rằng sự sống bắt đầu từ biển. Và nếu cách chúng ta đi nghỉ là thước đo chính xác, có rất ít việc làm chúng ta thích thú hơn việc trở lại thăm nguồn gốc dưới nước. Việc nhảy múa vui mừng với cá heo, đuổi theo cá mập với lồng thiếc bảo vệ, chụp ảnh cá độc qua những ô cửa của tàu ngầm du lịch đã mê hoặc những người sống trên cạn từ Prague đến Peoria. Kiến trúc sư hàng hải người Italia Giancarlo Zema đã có ngôi nhà mơ ước hoàn hảo Trilobis 65 cho những ai tìm cách thâm nhập vào vương quốc của hải vương. Bộ phận du thuyền và bộ phận tàu ngầm có thể thuyết phục thuyền trưởng Nemo treo biển bán Nautilus.

Zema phát biểu trên Popular Mechanics:“Mục tiêu chính của dự án này là để mọi người sống trong một môi trường duy nhất tự cung tự cấp,không bị ô nhiễm và tồn tại hòa hợp với môi trường đại dương bao quanh”. Lúc đầu,Trilobis trông giống như thể từ nhà bay vú lên bầu trời hơn là lao vút xuống nước ở vùng đảo san hô,vịnh và những vườn đại dương. Nhìn vào hình ảnh máy tính về chiếc vòm gợi lên hình ảnh những chiếc đĩa bay trong phim khoa học viễn tưởng những năm 1950. Tuy nhiên bản thiết kế chi tiết của Trilobis đã khám phá ra một di sản hàng hải quay trở lại với thuyền độc mộc nhỏ đồng thời bao quát công nghệ của thế kỉ 21 gồm có hợp tử cường độ cao và nhiên liệu hiđrô không bị ô nhiễm.

Vòng quay cuộc sống:

Có thể nói điểm nổi bật nhất trong thiết kế của Zema là sự phản ánh việc thừa nhận một sự thật không được nói ra về những chiếc du thuyền sang trọng. Động cơ khỏe và một bên thân tàu được đánh bóng, những hạm đội hải quân tiêu biểu đã bị giữ lại gần ngôi nhà.

Phải thừa nhận thực tế là những thủy thủ giàu có thích giữ những tòa lâu đài nổi bỏ neo xa bến tàu, Zema cũng thiết kế một loại bến du thuyền đặc biệt khiến những người chủ tàu Trilobis có cùng mục đích tạo ra những làng nổi của riêng họ. Bến tàu tam giác truyền thống sẽ biến mất và được thay thế bằng những đảo vòng tròn gồ ghề 60-ft.-dia có dạng bánh răng 6 răng mà trong đó những du thuyền cá nhân vừa khít như những mảnh trong một trò chơi ghép hình. Bước chân ra khỏi hòn đảo nổi, những người chơi du thuyền sẽ trèo lên một số bước và thấy một boong tàu hình tròn rộng rãi. Ở độ cao này, Trilobis trông giống như một quả trứng rán quá lửa, 65 ft.từ đầu tàu đến đuôi tàu, 42 ft. từ cửa đến mạn phải của tàu. Zema đã phân chia không gian bên trong thành 4 loại chức năng khác nhau được kết nối với nhau bởi cầu thang xoắn ốc chạy theo đường dọc tâm của du thuyền. Điểm cao nhất của cầu thang thông qua buồng lái. Hộp chứa bánh lái, trang thiết bị liên lạc và bánh răng điều hướng cho tầm nhìn ra biển tốt nhất từ độ cao khoảng 11ft phía trên mực nước. Không gian bị chi phối bởi bức tường kính đồ sộ bắt đầu từ cầu thang và cuốn mềm mại qua khu vực ghế ngồi phía trước trước khi biến mất vào boong tàu phía dưới. Thông thường, một tấm kính lớn có thể gây ra vấn đề với sự cấp nhiệt nhưng đây không phải là một cái cửa sổ bình thường. Nó là chiếc bánh sandwich gồm có 2 lớp kính nhiệt và chất điện phân với những đặc tính rất đặc biệt. Với sự đổi hướng của đĩa số, bạn có thể thay đổi điện áp của những vật liệu điện phân được bao bọc giữa những tấm kính, đề phòng tấm sắt tay của cửa sổ hay bị mất liên lạc hoàn toàn. Năng lượng cho cửa sổ và hệ thống đèn của tàu là từ tấm quang điện được sản xuất bởi hãng Siemens được hợp nhất thành lớp vỏ sợi thủy tinh có cốt thép váng xỉ. Vào buổi đêm và những ngày mây mù, năng lượng chuyển hóa thành ắc quy với một bộ đảo điện DC thành AC để phân bố năng lượng ít tiêu hao hơn.

Ngày và đêm:

Đi xuống từ đỉnh đến tầng thứ 3 là một chiếc tàu thủy, những người chơi du thuyền sẽ gặp nơi mà Zema gọi là khu vực ban ngày. Việc sử dụng nó trong không gian là cách nhắc nhớ rằng cấu trúc hình cầu thì hiệu quả hơn là cấu trúc hình tam giác. Như với không gian phía trên nó, khu vực ban ngày được bao phủ bởi kính đánh bóng đồng màu đem đến tầm nhìn bao quát từ quầy rượu, khu vực nhà ăn và 3 nhóm ghế ngồi.

Ở tầng này, cầu thang xoắn ốc có chức năng nữa là tách biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài. Cửa ra vào bằng kính trượt hoàn toàn kéo vào, mở ra lối vào boong tàu bằng gỗ. Quay trở lại vào trong và theo lối cầu thang đi xuống thêm một bậc nữa sẽ dẫn đến nơi được gọi là khu vực bóng tối. Trilobis có đủ chỗ cho 6 người với nhiều sự riêng tư hơn. Bản thiết kế yêu cầu có 2 phòng ngủ đơn và 2 phòng ngủ đôi, mỗi phòng đều có một phòng tắm riêng. Ở tầng này boong tàu ở mức 3 ft. dưới mực nước, cửa sổ quấn vòng cắt ngang tầm mắt. Tầng này cũng cung cấp chỗ cho hệ thống chuyển động của du thuyền bao gồm có 2 động cơ điện. Mỗi động cơ định mức khoảng 300 hp. Chúng được cung cấp năng lượng hiđrô- cung cấp nhiên liệu quang điện. Hiđrô cho nhiên liệu quang điện được trữ trong 2 thùng 240 gal được đặt ở phía sau của mỗi phòng ngủ đơn. Nguồn cung cấp nhiên liệu không được dự trù để vượt đại dương nhưng vẫn đủ để đưa du thuyền tới những vùng đá ngầm gần đó để khám phá những thay đổi theo mùa của cuộc sống dưới biền và quan sát trung thực những loài di chuyển bất thường qua lỗ mắt cá.

Độ sâu đại dương:

Đặc điểm nổi bật của Trilobis là đài quan sát ở tầng 1 hoàn toàn dưới nước. Giống như buồng lái và khu vực ban ngày ở trên, đài quan sát cung cấp tầm nhìn xa và thông suốt. Chỉ có ở đây , tầm nhìn là 10 ft dưới mực nước. Đây là tầng nhỏ nhất nhưng cũng đủ chỗ cho 6 ghế. Được xây dựng theo tiêu chuẩn kĩ thuật giống như tàu ngầm du lịch, nó là một tấm kình dày vây quanh cung cấp góc nhìn 360o. Vì thế, người ta có thể sử dụng khu vực này khi không có ánh sáng, Trilobis có một chùm đèn sáng 200 watt,có góc nhìn từ đài quan sát để quan sát bất cứ sinh vật biển nào bơi ngay trước tầm nhìn của người quan sát. Hệ thống chùm đèn sáng thứ 2 được đặt ngay dưới boong tàu chiếu sáng những vùng đá ngầm phía dưới. Zema mất vài năm để xây dựng tòa nhà đầu tiên Trilobis. Khả năng lớn nhất sẽ được xây dựng ở Vancouver, British Columbia nơi ông đã thiết lập mối quan hệ thương mại duy nhất với liên hiệp phương tiện vận tải đường biển. Vị trí này dường như là sự lựa chọn khác thường, nhưng khu vực này có 2 yếu tố cần thiết giúp dự án Trilobis thành công. Trước hết là sự phong phú dồi dào của những eo biển hẹp và vịnh nhỏ. Yếu tố thứ 2 là vốn chung của những người chủ du thuyền giàu có. Một người trong số đó có thể sẵn lòng đầu tư 4-5 triệu đô để đưa môn du thuyền đến với thế kỉ 21. Liên hệ với liên hợp phương tiện vận tải đường biển tại website:www.sub-find.com

(Nguồn kienviet.net)