LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

10 tháng 3, 2009

Chuyện về ngôi nhà cổ 130 tuổi ở miền Tây (Phần 2)


Ngôi nhà cổ 130 năm tuổi ở Bình Thủy (TP Cần Thơ) là một tư dinh lộng lẫy hài hòa mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng châu thổ Nam Bộ. Cho đến nay, ngôi nhà từng là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách, là "trường quay" của nhiều bộ phim cổ sử này vẫn còn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp của kiến trúc và những vật dụng quý hiếm bên trong.

Ngôi nhà được xây từ hơn 130 năm trước với muôn vàn công phu chăm chút bởi tay nghề của nhiều đoàn thợ giỏi tuyển khắp miền bắc miền trung, và cả nghệ nhân Phúc Kiến - Quảng Châu (Trung Quốc) về tô đắp. Đây là tư dinh của một thương nhân trí thức: ông Hội đồng Dương Chấn Kỷ nổi tiếng giàu có hào hoa từ nghề buôn bán mễ cốc khắp xứ gạo trắng nước trong. 

Kiến trúc độc đáo của tòa nhà cho thấy tầm cao thẩm mỹ của chủ nhân giữa buổi giao thời thế kỷ XIX-XX , trong sự hòa nhập văn hóa Đông-Tây vẫn giữ được vẻ riêng của nếp sống châu thổ Nam Bộ. 

Toàn bộ tư dinh bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, năm gian nhà xây trát bằng keo ô dước, hai mái lợp ngói Phước Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Ly Quy Phụng dạng Tứ quý, cột kèo gỗ lim đen bóng hai vòng ôm chưa giáp được gắn kết khít khao bởi kỹ thuật mộng ngàm. 

Bên trong ngôi nhà hầu như nguyên vẹn những vật dụng chế tác từ thế kỷ trước như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, khánh từ, thành vọng sơn son thếp vàng; những món đồ cổ quý giá nhiều trăm năm tuổi như bàn ghế đời nhà Thanh, bàn ghế mặt ngọc thạch Vân Nam, tách chén nậm rượu thời Minh-Thanh, bình cổ Thượng Ngọc... 

Hàng chục đoàn làm phim đã mượn địa điểm này làm nền cho những bộ phim mang tính cổ sử hoặc huyền thoại như Người đẹp Tây Đô, Công tử Bạc Liêu, Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Người tình. 

Cuốn sổ lưu niệm gia đình còn ghi dày đặc chữ viết nước ngoài từ các châu Phi Mỹ, Á Âu của vô số các đoàn khách tham quan. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ lưu bút năm 1983 "Mong rằng những tác phẩm này được gìn giữ tốt để bảo tồn tài sản văn hóa quý báu của dân tộc". Nhà báo Pháp P.Sabatier khẳng định "Ngôi nhà họ Dương là một kho báu của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Mới đây, được biết ngôi nhà cổ Bình Thủy đã có vài người đánh tiếng hỏi mua với giá một triệu USD, chủ nhân không muốn bán mà chỉ mong lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ để cùng trùng tu lại di tích này. 

Ông Dương Minh Hiển - cháu đích tôn của cố Hội đồng Kỷ, người đang quản lý tòa cổ trang cho biết ngay từ những năm đầu sau giải phóng, nhà cổ Bình Thủy đã là tư dinh đầu tiên được ngành Du lịch Cần Thơ hợp đồng làm địa chỉ cho khách đến tham quan. Hợp đồng đã hết hiệu lực từ lâu, mấy năm nay thỉnh thoảng mới có khách nước ngoài biết tiếng ghé tới, vì hiếu khách ông vẫn mở cửa đón tiếp dù nguồn sống đạm bạc của cả nhà vẫn chỉ là hoa lợi thu hái từ mảnh vườn rộng gần một ha. Gần đây UBND TP Cần Thơ đã họp bàn về việc sẽ đầu tư chỉnh trang lại cả một làng cổ trải dài trên tuyến đường hơn hai mươi cây số, trong đó điểm nhấn chính là nhà cổ Bình Châu. 

Tôi nhớ cử chỉ thắp hương khoan thai bùi ngùi của ông trước bàn thờ gia tộc họ Dương tranh tối tranh sáng vương đầy mọt gỗ. Sang năm ông Hiển đã vào tuổi tám mươi. Liệu đến ngày đó tòa nhà cổ Bình Thủy đã trở thành "điểm nhấn" trong các điểm hẹn chính thức của ngành du lịch Cần Thơ hay chưa?

(Theo Tiền Phong - ND)

Chuyện nhặt ở miền Tây - Đất thiêng mùa nước nổi



An Giang được mệnh danh là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Mảnh đất này còn được biết đến với sự hiện diện của ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ... 

Cù lao ông Chưởng thiếu gì cá tôm:
Từ TP Long Xuyên, quốc lộ 91 chạy song song một bên là dòng sông Hậu, bên kia là biển nước mênh mông chúng tôi đến miền biên ải - người dân nơi đây gọi là vùng đất thiêng. Đi chừng 13 km, tôi không khỏi ngạc nhiên khi biển báo bên đường đề Lộ Tẻ, huyện Châu Thành. Hình như địa danh này tôi đã đi qua trên đường từ TP Hồ Chí Minh xuống An Giang. 

Vừa cười, ông Bảy Tiêm (một người bạn dân An Giang đi cùng) vừa giải thích: Ở miền Tây này, hầu như tỉnh nào cũng có Lộ Tẻ và Châu Thành. Lộ Tẻ được viết gộp của hai từ Lộ là đường đi, Tẻ là rẽ. Vì vậy, những nơi có đường rẽ hay được gọi là Lộ Tẻ, chỉ khác nhau là lộ tẻ đi đâu, ở đường nào mà thôi; Châu Thành cũng vậy, được gộp từ Châu là chu vi, Thành là thành thị. 

Vì vậy, vùng đất nằm bao quanh hoặc ôm lấy thành phố, thị xã của một tỉnh nào đó thường được gọi là Châu Thành. Chưa hết, cách gọi tên trường học trong này cũng khác với ngoài Bắc. Trong khi ngoài Bắc gọi tên Trường THPT Hoài Đức A hoặc Hoài Đức B, thì trong này nhất nhất chữ A hoặc B phải đặt lên trước: Trường THPT A Hoài Đức hoặc B Hoài Đức. Xe chạy chừng được 1 giờ, chỉ sang bên kia sông Hậu, ông Bảy nói: “Nói là đường xa 50 – 60 km, nhưng nãy giờ đi chưa hết tầm nhìn của cù lao Ông Chưởng”. Theo ông Bảy, trước đây, xứ này cá tôm nhiều vô kể. Tại huyện Chợ Mới quê ông, những năm 70 của thế kỷ trước, mỗi lần theo cha ra sông đánh cá mùa nước lũ, ông được giao nhiệm vụ giũ tôm: Một hàng rào bằng tre hoặc lưới cứng (ngoài Bắc gọi là đăng) cắm giăng ngang từ bờ ra. 

Cuối đăng được bẻ cong lại và tại đó, người ta đặt từ 8 đến 10 cái lợp. Trong lợp có hai cái hom, tựa như cái giỏ bắt cua. Sau khi đi vào luồng của đăng, tôm giật lùi chui vào hom. Đơn giản mỗi ngày hai lần sáng và chiều, ông đều đặn giũ được gần một xuồng đầy tôm. Cá thì khỏi phải nói, ngoài những loài cá da trơn, mùa cá linh (một loài như cá bống) đẻ chỉ cần đứng cạnh bờ sông cũng chao được cả rổ...

Bởi vậy, mới có câu ca dao: 

Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng thiếu gì cá tôm

“Thời đó cá tôm quá nhiều, nên nhà nào cũng có, bán chẳng ai mua. Thời nay cá tôm cạn kiệt, nhưng đoạn sông Hậu chảy qua đây nổi tiếng bởi những con cá hô cân nặng được tính bằng tạ”, ông Bảy nói. Vốn là dân buôn bán ngược xuôi, ông Bảy có mặt hầu hết những địa phương liên quan đến con sông Tiền, Hậu. Ông kể, cá hô sinh sản ở thượng nguồn sông Mê kông, thường sống ở nơi nước chảy xiết, ăn tạp các nguồn thực vật trong tự nhiên. 

Cá theo con nước xuôi về sông Tiền, sông Hậu. Ở môi trường tự nhiên, cá hô nặng trên 20 kg trở lên là chuyện bình thường. Muốn bắt được loại cá này, mắt lưới phải rộng đến một tấc và chắc chắn, nếu không cá sẽ quẫy rách lưới. Cá hô thịt rất ngon, nấu canh chua với cơm mẻ, bắp chuối là đặc sản ở xứ này. 

Có thời, nhà hàng đặc sản ở Long Xuyên, Châu Đốc thu mua thịt cá hô với giá trên dưới 150.000 đồng/kg, riêng phần đầu thì không dưới 250.000 đồng/kg. Cá hô có thể đạt trọng lượng trên 100 kg/con, con lớn nhất mà ngư dân An Giang bắt được trên sông Vàm Nao nặng hơn 130 kg. Vì vậy, nhà nào bắt được một con, kể như trúng số độc đắc, có thể đổi đời. 

Kinh nghiệm của một kẻ rày đây mai đó theo công việc, ông Bảy chia sẻ: “Cá hô nặng từ trên 1 tạ thịt mới dai ngon, xẻ ra thịt cá có màu vàng như vỏ trứng gà; còn cá dưới 1 tạ thịt màu trắng và không dai. Thường một con cá hô nặng 100kg, khi xẻ ra phần thịt chỉ được chừng 30kg, còn lại là đầu và xương. Ở nhà hàng, tuỳ theo món mà cá hô được bán từ vài trăm ngàn đến tiền triệu một món”. 

Công trình thuỷ lợi vĩ đại nhất miền Tây:
Thị xã Châu Đốc cách Tp Long Xuyên chừng 60km. Mặc dù cửa khẩu của An Giang nằm ở các huyện khác, nhưng Châu Đốc với một phần địa giới sát đường biên Việt Nam – Campuchia nên vẫn mang dáng dấp thị xã vùng biên, kiểu như Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh. Khác chăng ở Châu Đốc đường phố nhỏ và ngắn hơn, hai bên đường xen lẫn những công trình cao tầng là các căn nhà cổ nép mình. 

Mặc dù chỉ là thị xã, nhưng tên Châu Đốc có từ thuở con người mới đến xứ này khai cơ lập nghiệp. Nói đến Châu Đốc, không thể không nhắc đến Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu - người có công lớn trong việc tạo nên kênh Vĩnh Tế, công trình thuỷ lợi vĩ đại bậc nhất miền Tây. 

Tương truyền, Nguyễn Văn Thoại - tên thật của Thoại Ngọc Hầu, SN 1761 (đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thời loạn lạc, ông theo gia đình vào Nam ngụ ở cù lao Dài bên dòng Cổ Chiên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 17 tuổi, Nguyễn Văn Thoại đầu quân dưới trướng chúa Nguyễn Ánh. 

Sau nhiều thăng trầm trong binh nghiệp, năm 1817 ông được triều đình cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, gồm các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và một phần Kiên Giang. Thời đó, vùng này rất hoang vu và nhiều thú dữ, giao thương đi lại khó khăn. Đã vậy, dân vùng này thường bị bọn cướp vùng biên và nạn ngoại xâm từ phía Cao Miên (Campuchia) quấy phá. 

Bởi vậy, một mặt ông chiêu dân lập ấp, một mặt cho đào kênh mương vừa tưới tiêu, vừa làm đường đi lại và phòng thủ biên cương. Trong số đó, nổi bật nhất là kênh Vĩnh Tế. 

Chọn ngày rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819), bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc, 80.000 dân binh dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu đã đào bốc hàng triệu khối đất đá song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, chạy thẳng ra sông Giang Thành (Hà Tiên, Kiên Giang). Công việc đào đắp vô cùng cực khổ, vì đây là vùng đất bưng biền, lam sơn chướng khí lại nhiều cọp beo, rắn rết... 

Sau 5 năm thi công, đổi đắp bao công sức và mạng người là con kênh dài 205,5 dặm (khoảng 91km), rộng 7 trượng 5 thước (25 m) và sâu 6 thước (3m). Nói về lợi ích của con kênh này, Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Từ đấy, đường sông thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”. 

Để ghi nhớ công ơn Thoại Ngọc Hầu, Vua Minh Mạng đã ban thưởng và dựng bia ghi công trạng ông, đồng thời lấy tên người vợ của ông là Vĩnh Tế đặt cho con kênh, vì bà có công lớn trong việc lo toan hậu cần cho việc đào kênh. Không quên những người phu binh đã ngã xuống, Thoại Ngọc Hầu sau đó cho cải táng và làm lễ rước long trọng về chôn cất nơi trang nghiêm. Thoại Ngọc Hầu sau khi mất, được an táng tại núi Sam, cách Thị xã Châu Đốc khoảng 5km.

Truyền thuyết Bà Chúa Xứ:
Tại núi Sam, một quần thể chùa, miếu, lăng tẩm khá cổ kính và trang nghiêm. Ngoài lăng thờ Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ của ông, cùng mộ của các phu binh tử nạn khi đào kênh Vĩnh Tế, còn có ngôi miếu lớn nhất Việt Nam thờ bà chúa Xứ và ngôi chùa cổ kính. 

Bởi vậy, vùng đất này trở thành nơi sinh hoạt tâm linh cho cả vùng An Giang, thậm chí cả miền Nam bộ với khoảng 3 triệu lượt người thăm viếng mỗi năm. Ông Võ Văn Hồng, Ban quản trị lăng miếu Núi Sam cho biết: “Người dân thập phương đến thăm viếng quần thể di tích này ngày càng nhiều, tiền công đức có năm lên đến 100 lượng vàng”. 

Gắn liền với quần thể di tích này có rất nhiều điều lạ. Giải thích tên gọi núi Sam, có người cho rằng trước đây vốn là biển cả, ngọn núi này trông như hình con Sam nên gọi là núi Sam; cũng có người cho rằng tên gọi núi Sam xuất phát từ hiện tượng trước đây chân núi có rất nhiều Sam; có người còn tưởng tượng mùa nước nổi núi Sam như một con Sam khổng lồ bơi trong biển nước. 

Với miếu thờ Bà chúa, gạt bỏ những truyền thuyết dị bản, câu chuyện tượng Bà gắn liền với 9 cô gái đồng trinh được mọi người nhắc đến nhiều nhất và được gắn kết lưu truyền cho đến ngày nay: Cách đây chừng 200 năm, một bọn cướp đến núi Sam và gặp tượng Bà Chúa ở gần trên đỉnh núi. Nổi lòng tham chúng tìm cách đem đi, nhưng cố hết sức cũng chỉ xê dịch được một đoạn. 

Tức giận, cả bọn rủ nhau đập phá làm gãy cánh tay trái của pho tượng. Sau khi bọn cướp bỏ đi, dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hàng trăm trai tráng lực lưỡng đưa tượng xuống núi để sửa chữa, nhưng không tài nào di chuyển nổi. Bà Chúa thấy vậy liền đạp đồng vào một người phụ nữ, mách với dân làng muốn đưa Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh đến khiêng. Quả thực, pho tượng vốn quá sức với hàng trăm đàn ông lực lưỡng lại trở nên nhẹ nhàng trên đôi vai của 9 cô gái chân yếu, tay mềm. 

Đến vị trí miếu toạ lạc hiện nay, tượng bỗng nặng trịch không nhấc lên được, người dân nghĩ Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ, đó là vào khoảng những năm 1820 – 1825. Sau nhiều lần trùng tu, hiện ngôi miếu được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận: Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và ngự ở ngôi miếu lớn nhất Việt Nam và yếu tố 9 cô gái đồng trinh vẫn được duy trì đến ngày nay trong mỗi lần tổ chức lễ hội.

Theo quy định của Ban quản lý lăng miếu, khách thập phương không được chụp ảnh trong gian chính miếu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, gian chính thờ Chúa Bà được thiết kế cao chừng ngôi nhà 3 tầng, thoáng đãng nhưng không kém phần linh thiêng. 

Mặc dù không phải là ngày chính lễ, vẫn có gần 200 người đang hành lễ với rất nhiều hiện vật. Bởi truyền thuyết lưu rằng, người nào chạm được tay vào bức tượng sẽ gặp nhiều may mắn, thỉnh cầu được linh ứng. Vì vậy, Ban quản lý đã làm hàng rào sắt trước tượng Bà để tránh khách thập phương viếng chạm vào bức tượng và các đồ thờ, gây hư hỏng. 

Mênh mang sông nước miền Tây:
Với những người khách vượt 2.000km đến với Bà, cùng với tài ngoại giao của Bảy Tiêm (ông quen biết khá nhiều lãnh đạo địa phương), ông Hồng phá lệ mở cửa cho chúng tôi vào tận nơi để chiêm bái: Trên bệ cao quá đầu người, tượng Bà cao 1,65m, dáng người ngồi nghĩ ngợi, quý phái vương giả. Theo nghiên cứu của nhà khảo cổ học người Pháp Malleret vào năm 1941, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, chất liệu bằng đá Son, được tạc vào cuối thế kỷ thứ VI. 

Nhắc đến Malleret, liên quan đến bức tượng này có một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian khá ly kỳ: Năm 1942, thời kỳ thực dân Pháp đang đô hộ nước ta, vào một ngày đầu thu có một người Pháp cùng thư ký vào miếu tự tiện cởi áo Bà ra, ghi chép và phác họa pho tượng. Bà Từ không dám ngăn cản, vội đi báo Hương cả Phạm Văn Hảnh. Nghe tin, ông cả Hảnh liền đến miếu và ra lệnh mặc áo lại cho bà chỉnh tề rồi quay sang làm việc với người khách lạ.

 Đến lúc ấy, người khách lạ mới trình giấy của Chánh tham biện (tỉnh trưởng) tỉnh Châu Đốc giới thiệu ông Malleret - Chủ tịch hội khảo cổ học Hà Nội đi sưu tầm, khảo cổ các cổ vật còn tiềm ẩn ở vùng này, nhưng ông Hương cả vẫn phê bình việc làm phạm thượng của ông Malleret. Nghe qua sự ngưỡng vọng tôn kính của người dân địa phương và các vùng lân cận đối với Bà Chúa xứ, ông Malleret chuyển từ tức giận sang bối rối, sợ hãi và hỏi ông Hương giờ phải làm sao?

 Ông cả Hảnh bảo cứ về trình lại với Chánh tham biện rồi gặp nhau giải quyết sau. Chiều hôm ấy, hai người Pháp là ông Gauthier, Chánh tham biện Châu Đốc và Malleret đi xe con đến nhà Hương cả. Để chuộc lỗi tự ý cởi áo Bà, hai ông tổ chức lễ tạ tội và cúng Bà một con heo, một mâm xôi. Kể từ đó, chuyện phạm thượng không còn xảy ra ở miếu thờ Bà chúa nữa...

(Còn nữa)

Đức Vinh