LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

10 tháng 3, 2009

Chuyện về ngôi nhà cổ 130 tuổi ở miền Tây (Phần 2)


Ngôi nhà cổ 130 năm tuổi ở Bình Thủy (TP Cần Thơ) là một tư dinh lộng lẫy hài hòa mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng châu thổ Nam Bộ. Cho đến nay, ngôi nhà từng là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách, là "trường quay" của nhiều bộ phim cổ sử này vẫn còn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp của kiến trúc và những vật dụng quý hiếm bên trong.

Ngôi nhà được xây từ hơn 130 năm trước với muôn vàn công phu chăm chút bởi tay nghề của nhiều đoàn thợ giỏi tuyển khắp miền bắc miền trung, và cả nghệ nhân Phúc Kiến - Quảng Châu (Trung Quốc) về tô đắp. Đây là tư dinh của một thương nhân trí thức: ông Hội đồng Dương Chấn Kỷ nổi tiếng giàu có hào hoa từ nghề buôn bán mễ cốc khắp xứ gạo trắng nước trong. 

Kiến trúc độc đáo của tòa nhà cho thấy tầm cao thẩm mỹ của chủ nhân giữa buổi giao thời thế kỷ XIX-XX , trong sự hòa nhập văn hóa Đông-Tây vẫn giữ được vẻ riêng của nếp sống châu thổ Nam Bộ. 

Toàn bộ tư dinh bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, năm gian nhà xây trát bằng keo ô dước, hai mái lợp ngói Phước Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Ly Quy Phụng dạng Tứ quý, cột kèo gỗ lim đen bóng hai vòng ôm chưa giáp được gắn kết khít khao bởi kỹ thuật mộng ngàm. 

Bên trong ngôi nhà hầu như nguyên vẹn những vật dụng chế tác từ thế kỷ trước như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, khánh từ, thành vọng sơn son thếp vàng; những món đồ cổ quý giá nhiều trăm năm tuổi như bàn ghế đời nhà Thanh, bàn ghế mặt ngọc thạch Vân Nam, tách chén nậm rượu thời Minh-Thanh, bình cổ Thượng Ngọc... 

Hàng chục đoàn làm phim đã mượn địa điểm này làm nền cho những bộ phim mang tính cổ sử hoặc huyền thoại như Người đẹp Tây Đô, Công tử Bạc Liêu, Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Người tình. 

Cuốn sổ lưu niệm gia đình còn ghi dày đặc chữ viết nước ngoài từ các châu Phi Mỹ, Á Âu của vô số các đoàn khách tham quan. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ lưu bút năm 1983 "Mong rằng những tác phẩm này được gìn giữ tốt để bảo tồn tài sản văn hóa quý báu của dân tộc". Nhà báo Pháp P.Sabatier khẳng định "Ngôi nhà họ Dương là một kho báu của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Mới đây, được biết ngôi nhà cổ Bình Thủy đã có vài người đánh tiếng hỏi mua với giá một triệu USD, chủ nhân không muốn bán mà chỉ mong lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ để cùng trùng tu lại di tích này. 

Ông Dương Minh Hiển - cháu đích tôn của cố Hội đồng Kỷ, người đang quản lý tòa cổ trang cho biết ngay từ những năm đầu sau giải phóng, nhà cổ Bình Thủy đã là tư dinh đầu tiên được ngành Du lịch Cần Thơ hợp đồng làm địa chỉ cho khách đến tham quan. Hợp đồng đã hết hiệu lực từ lâu, mấy năm nay thỉnh thoảng mới có khách nước ngoài biết tiếng ghé tới, vì hiếu khách ông vẫn mở cửa đón tiếp dù nguồn sống đạm bạc của cả nhà vẫn chỉ là hoa lợi thu hái từ mảnh vườn rộng gần một ha. Gần đây UBND TP Cần Thơ đã họp bàn về việc sẽ đầu tư chỉnh trang lại cả một làng cổ trải dài trên tuyến đường hơn hai mươi cây số, trong đó điểm nhấn chính là nhà cổ Bình Châu. 

Tôi nhớ cử chỉ thắp hương khoan thai bùi ngùi của ông trước bàn thờ gia tộc họ Dương tranh tối tranh sáng vương đầy mọt gỗ. Sang năm ông Hiển đã vào tuổi tám mươi. Liệu đến ngày đó tòa nhà cổ Bình Thủy đã trở thành "điểm nhấn" trong các điểm hẹn chính thức của ngành du lịch Cần Thơ hay chưa?

(Theo Tiền Phong - ND)

Không có nhận xét nào: