LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

28 tháng 1, 2009

Lụy tiếng tơ lòng

  
     
   Theo dòng chảy của những lưu dân khẩn hoang, phải chăng dòng nhạc cung đình Huế đã tiếp cận, giao thoa với dân ca, hò vè Nam bộ để sản sinh ra dòng nhạc đờn ca tài tử độc đáo। Luôn tiếp cận, thấm đẫm với thiên nhiên hào sảng nó đã có một hồn nhạc riêng, rất riêng…
     "Cho đến nay, người ta có thể tranh cãi nhau về chuyện bao giờ và ai là người đặt viên đá đầu tiên cho nền ca nhạc cải lương đầy chất tài tử. 1910 với tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho chăng. Hay trước đó, 1900 với một Nhạc Khị lẫy lừng ở Bạc Liêu. Song, có một điều không thể phủ nhận, Cà Mau - Bạc Liêu phải là cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ". Ông đam mê nói và tôi kịp thấy một chút lửa vừa lóe trong đôi mắt đã già đục của lão nghệ nhân Lâm Tường Vân। Và tôi biết ông yêu đến độ nào mảnh đất ông đang sống. Ông nhắc đến những danh cầm, danh ca mà tên tuổi đã không chỉ dừng ở ranh giới xứ Lục tỉnh Nam kỳ. Từ một bản vọng cổ "Dạ cổ hoài lang" dây Bắc, nhịp tư của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - linh hồn của đờn ca tài tử cho đến ngón đàn kìm "ác liệt" nhất Nam kỳ của nghệ nhân Mười Khói. Từ cây violon độc nhất vô nhị của nghệ nhân Hai Thơm hay Năm Nghĩa chủ gánh hát Thanh Minh. Rồi thì nghệ nhân Ba Chột con hậu tổ Nhạc Khị tác giả của Liêu Giang, Ngũ quan, Tứ bửu lưu thành… cho đến Bảy Cao - người Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ thâu dĩa ASIA - mở ra kỷ nguyên ca vọng cổ thâu dĩa sau này. Những nghệ sĩ này thuộc nhiều giai tầng khác nhau nhưng chung nhất vẫn là một phong thái tài hoa, mã thượng. Chẳng vậy mới có tiếng "đờn ca tài tử" sau này.

… "Bài ca vọng cổ của người Bạc Liêu viết, nhạc vọng cổ người Bạc Liêu làm ra, người ca vọng cổ đầu tiên cũng là người Bạc Liêu.Hai lần ông Cao Văn Lầu kéo bầu đoàn thê tử đi thi, một vào năm 35, một nữa 38 - lần nào đội ĐCTT Bạc liêu cũng đứng hạng nhất…". Tôi vẫn nghe ông nói nhưng lại chợt nghĩ đến nỗi niềm đau đáu ông। Ông cứ như một người xót của khi nghe nghệ sĩ bây giờ ca một hơi dài lê thê khoe giọng, đàn một đoạn dài mấy nhịp không thôi. Hơn hai trăm bản bài ca nay chỉ quanh đi quẩn lại 4 câu vọng cổ, vài ba điệu lý. Buồn lắm. Và cũng từ cái buồn mà cách đây mười năm có lẻ ông đã bỏ công, bỏ của đi thu tiếng đờn, tiếng ca của các nghệ nhân thuộc thế hệ thứ hai. Ông xuýt xoa khi thấy ông Tám Ngà (Huỳnh Thiện Ngôn) râu tóc bạc phơ nằm trên võng ca mãn một hơi những bài Long đăng, Giang nam mùi mẫn. Mà cũng thật lạ, cứ như có một ma lực hoặc tổ nghiệp khiến hay sao mà những ông già ấy nhớ vanh vách ngót 20 bài bản tổ. Xàng xê 64 câu không cần coi bản, Đảo ngũ cung cũng vậy. Có bản đờn ca cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không quên. Bây giờ ông vẫn nhớ như in ngón đàn kìm của Ba Trinh, giọng ca chuẩn của Tư Thân. Rồi những Mười Xuân, Tấn Rạng. Người trẻ nhất lúc ấy đã ngót 70, riêng ông Năm Nhu thầy đờn hồi Pháp thuộc tuổi đã xấp xỉ 90. Cái nỗi sợ các nghệ nhân thế hệ thứ 2 mắt yếu, tay run lúc bấy giờ nay hóa thành sự thật. Người thì hóa ra thiên cổ, người không nghe nổi tiếng lên dây đờn. Chỉ có trên 34 bài ca, bản nhạc được ông thu là còn lại. Hóa ra đây lại là một giáo trình cho bộ môn đờn ca tài tử hiếm hoi nhất hiện nay.

…"Bản vọng cổ nó kỳ lạ lắm. Nó đã là máu, là thịt của dân Lục tỉnh Nam kỳ rồi. Giả dụ không có Tiến Quân Ca của Văn Cao đi chăng nữa thì cũng sẽ có bản khác, nhưng dứt khóat bất vọng cổ bất thành cải lương, mất đờn ca tài tử là mất hết…". Lão nghệ nhân Lâm Tường Vân vốn là dân cách mạng। Nhưng chuyện ông đến với cách mạng cũng đầy chất lãng tử. Lúc đó, mới 12 tuổi, mê tiếng đàn phím lõm, ngày ngày ông chèo ghe cho ông Mười Bường - một thầy đờn mù đi đờn ca, hát xướng - cũng chỉ cốt học được một làn hơi. Nào hay, ông già mù giả dạng đi rải truyền đơn chống Pháp. Và cũng chính người thầy mù này đã dạy ông bản xàng xê "Nâng cao ngọn cờ hồng" nhập môn để ông đi theo cách mạng. Những ý niệm dân chủ, nô lệ, phát xít đến được với chú bé mới qua lớp vỡ lòng lại chính nhờ những thanh âm xàng xê liu cống. Mà không chỉ nghệ nhân Lâm Tường Vân. Còn có biết bao nhiêu câu chuyện tương tự như vậy. Như chuyện của Thiếu tá Lê Mai Chương, ém quân ở Thanh Tuyền, Bến Cát, dù cho tàu chiến địch đầu đầy vẫn lội qua sông nghe đờn ca tài tử ở Củ Chi, Bến Dược. Hoặc nhà văn Trần Kim Trắc, lúc khoác ba lô đi lính Tiểu đoàn 307 lại mang theo ba lô ba thứ quý nhất: giọng ru của mẹ, trái tim người yêu và tâm hồn thấm đẫm làn điệu đờn ca tài tử. Các ông đều nhớ, có thời (những năm 45 - 48) vọng cổ bị cấm vì sợ ảnh hưởng tinh thần chiến sĩ. Vậy mà, đêm đêm anh em vẫn bơi xuồng ra đồng nước nổi Đồng Tháp Mười ca lén với đầy đủ lệ bộ ghi ta, sáo. Có chuyện vui mà có thật. Có chiến sĩ bị chính trị viên phạt chạy 10 vòng quanh cột cờ vì tội... lén ca vọng cổ. Vậy là, chàng ta vừa chạy, vừa ca: “Bon... bon... bon... văng vẳng tiếng chuông chùa”... (!). Riêng nghệ nhân Lâm Tường Vân, thời kháng chiến dù đã kinh qua các chức trách: trưởng công an xã rồi công an huyện nhưng vẫn... lén đi ca. Có đêm, chú chui vô chuồng trâu ca đến 2 giờ sáng, dù chỉ ít phút sau chú lại cùng đồng đội phải đi công đồn. Lạ một điều, trong những ngày ấy, nghệ nhân Lâm Tường Vân mới nghiệm ra một điều - càng đau thương, càng tang tóc lại càng căm thù; càng thất tình, càng bi luỵ lại càng yêu da diết. Cái thần tình, cái mùi rụng rún của đờn ca tài tử là vậy. Ngày cho ca trở lại, nghe nói các ông Ba Du, Tư Xe, Tám Danh đã giả bộ giọng ca của các nghệ nhân Bảy Cao, Năm Cần Thơ, Ba Nghĩa, Ba Trà Vinh... ca một bữa thiệt mãn nguyện. Nghệ sĩ ưu tú Công Thành còn nhớ, người xả cảng lệnh cấm chính là ông Nguyễn Văn Nguyễn. Ông Nguyễn đã đấu tranh phục hồi lại trong một cuộc họp Trung ương Cục. Và sau đó, gánh hát Lam Sơn đã dàn dựng tiết mục ca bài cổ bản vắn “Tôi đi bộ đội”.

      Nghệ nhân Lâm Tường Vân đã bật khóc khi thấy một thanh niên đi cắt lúa mướn chỉ để kiếm tiền mua cây ghi ta phím lõm và một bộ tăng âm. Ông lẩm bẩm "Vậy là nó sống lại rồi". Với những mảnh tình si ấy tôi bỗng hiểu cội nguồn sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Phải chăng sự gắn bó máu thịt của con người Nam bộ hào sảng trên một nền âm nhạc dân gian phong phú đã tạo nên một hồn nhạc riêng độc đáo. Và không ở loại hình dân tộc nào mà đạo lý thầy trò Việt Nam, giữa thầy tuồng, thầy nhạc với môn sinh lại thiêng liêng đến vậy. Hãy khoan bàn đến chuyện cách tân hay giữ gìn bản sắc. Và cũng xin đừng bi quan vội trước sự du nhập của không ít dòng văn hóa khác. Chính những ngọn lửa bền bỉ của lão nghệ nhân ở độ tuổi thất thập cổ lai hy sẽ đủ cho ta một đức tin. Và nội cái mạch sống ngót trăm năm của bộ môn này cũng đủ cho ta choáng ngợp. Hồn Việt là đây mà quê hương cũng là đây.

     Trải qua bao năm tháng, anh chiến sĩ năm xưa nay đã là nghệ nhân đờn ca tài tử. Dẫu tuổi cao sức yếu nhưng cứ thấy ông có mặt hầu hết các buổi thi đờn ca tài tử từ miền Đông đến Tây Nam bộ. Và trong ông, luôn đau đáu một nỗi niềm về sự phục hưng bộ môn nghệ thuật này. Có lần Nghệ nhân Lâm Tường Vân kể cho tôi nghe một câu chuyện đã xưa của ông với nghệ sĩ lão thành Bảy Cao. Theo đó, vào năm 1935 hay trước đó không lâu lắm, nghệ sĩ Bảy Cao cùng với nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa rủ nhau lên Sài Gòn giao du. Thật không may, mới đến Cần Thơ ông Bảy lâm bệnh thương hàn phải nằm nhà thương đành để ông bạn đi một mình. Ông Lư Hòa Nghĩa mà tên gọi bình dân trong giới là Năm Nghĩa vốn là thân sinh của cố nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Bảo Quốc bây giờ. Theo những đoạn hồi ức của lão nghệ sĩ Bảy Cao thì lúc bấy giờ nào phải tự dưng ông Năm Nghĩa đơn thương độc mã lên chốn phồn hoa đô hội. Mối bất hòa, lục đục với người vợ đầu tiên ở chốn Bạc Liêu đã là nguyên cớ để ông ra đi. Và chính bài ca tài tử vọng cổ nhịp 8 “Văng vẳng tiếng chuông chùa” được ông sáng tác từ chính nỗi buồn của mình. Hãng dĩa ASIA lúc này chưa có tiết mục vọng cổ, nghe tiếng đồn khen ngợi hết mực của giới mộ điệu đã đích thân mời ông Năm Nghĩa ca cho hãng thu thanh. Cố nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa đã ca bài vọng cổ nói trên với tên bình dân trên dĩa là Năm Nghĩa. Chẳng bao lâu, dĩa hát nói trên bán chạy ngoài sức tưởng tượng bởi theo nghệ nhân Lâm Tường vân thì “thể loại hoàn toàn mới lạ lại hay, với giọng ca luyến ngọt ngào và nội dung thật là thương hại cho nhân vật bài ca ấy”. Điều trớ trêu, vợ ông Năm Nghĩa vốn là người Hoa kiều chuyên buôn bán ở xứ Bạc Liêu thuộc loại dân có tiền sắm máy hát để trong nhà. Bà Năm đã mua đúng dĩa có bài ca ấy và đã xúc động, ân hận tìm lên Sài Gòn khóc lóc xin được “nối lại tơ tình”. Câu trả lời của ông Lư Hòa Nghĩa lúc bấy giờ với bà vợ đầu tiên của mình là: “Anh và em như hai thái cực khác nhau. Em lo làm giàu, anh lo nghệ thuật thì không thể nào sống chung trọn đời được. Vả chăng bát nước đã đổ đi không hốt lại trọn bao giờ”. Nghe đâu sau lần gặp đó, bà Năm đã về quê đập nát dĩa hát ấy cũng như dứt một mối tơ lòng. Riêng ông Năm Nghĩa sau đó đã sáng tác thêm bản vọng cổ thứ hai “Quằn quại gánh nợ đời” với câu 1 như sau – “Quằn quại gánh nợ đời. Tôi muốn trả cho xong nhưng sao nó cứ còn vay thêm mãi”. Câu ca cứ như một nghiệp dĩ đã vận vào suốt cuộc đời tài tử của ông Năm.।Và cũng theo lão nghệ nhân Lâm Tường Vân thì chỉ có ông Năm Nghĩa mới là người đầu tiên được thu dĩa hát ASIA। Riêng đến năm 1938, nghệ sĩ Bảy Cao mới từ Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ với bản “Viếng mồ bạn” với một chất giọng nam cao sắc sảo. Theo nghệ nhân Lâm Tường vân, cũng từ đây kỷ nguyên ca vọng cổ thu dĩa ở miền Nam mới trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết.

     Song điều mà ông Lâm Tường Vân trăn trở nhất trong lá thư gởi tôi lại là những nghi vấn chưa được sáng tỏ. Ông cho rằng, vào khoảng thời kỳ 1935 ấy có thêm hai nghệ sĩ ca vọng cổ thâu dĩa là Hồng Châu và Thái Văn Phồi với hai bài “Nhân đạo ở đời” và “Cộp cộp kìa ai gõ cửa”. Ông phụ chú đậm nét: “… lúc tôi nghe dĩa hát này thì chỉ mới 11 tuổi, đâu biết điều gì cần nhớ để hôm nay nói lại cho đúng với sự kiện lịch sử nghệ thuật…”. Và trong một lần trao đổi gần đây với phóng viên Thanh Niên, các nghệ nhân lại ôn cố nhiều đến những nam, nữ kịch sĩ lừng danh không chỉ trong giới hạn xứ công tử Bạc Liêu xưa। Những cô Ba Vàm Lẻo, cô Hai The, cô Ngọc Cầm… những nghệ nhân Kim Thanh, Ngọc Vĩnh, Ngọc Dương, Sanh Lợi, Văn Chương, Đỗ Lộc Châu, Ba Khuê. Rồi một soạn giả Mộng Vân với những “Tân Xá Phỉ”, “Phong Nguyệt”, “Sơn đông hướng mã” mang hơi hướng cổ nhạc thanh tân. Rồi một soạn giả Trịnh Thiên Tư với vở tuồng lịch sử đầu tiên “Hận tình” với việc phổ biến dây bắc 12 câu, nhịp tư lơi. Các nghệ nhân còn nhắc nhiều đến một cái chết đau lòng vì bệnh phong của “hậu tổ” Nhạc Khị lừng danh, hoặc một nghệ nhân Bảy Kiên khét tiếng phong tử hào hoa đã mấy lần nương nhờ cửa Phật nhưng rồi không dứt được kiếp cầm ca. Còn nhớ “hậu tổ” Nhạc Khị sử dụng 4 món nhạc khí cùng lúc: Đẩu, Bạc, Kèn, Phách. Dịp vua Thành Thái vào Nam Kỳ - lúc này đã rơi vào tay Pháp - Nhạc Khị đã sáng tác bài “Ngự giá đăng lâu”, “Ai tử kê” - mượn chuyện tiếc thương đàn gà con vừa mất để cảm thán nỗi lòng. Riêng với nghệ nhân Ba chột, con Nhạc Khị lại chuyên đờn đoản, đờn sến, tác giả của nhiều bài bản nổi tiếng: Thuấn Hoa, Liêu Giang, Mẫu Đơn, Huỳnh Ba, Vạn Thọ, Hoà Duyên, Cảnh Xuân, Tam Quan Nguyệt, Nhựt Nguyệt...

     Tất cả những câu chuyện vừa nêu dường như đang bị một lớp bụi mờ thời gian che phủ. Vấn đề được nhắc đến ở đây không chỉ là một thái độ lao động hết sức nghiêm túc của những lão nghệ nhân già ở độ tuổi như ngọn đèn hắt hiu trước gió của ông Lâm Tường Vân, của Ban nghệ nhân đàn ca tài tử Cà Mau. Song chúng tôi chợt nghĩ, rồi có còn ai nối theo nghiệp dĩ của các nghệ nhân già vừa kể hay không. Rồi có còn một ai một đời đau đáu đi tìm, đi chắt mót từng mẫu ký ức xưa hay không. Trong khi đó, vốn quý của một dòng đờn ca tài tử vốn mênh mông vô kể mà cuộc đời các nghệ nhân còn sống vốn ngắn vô cùng.

(Theo Dấu xưa Nam Bộ)

Đờn ca tài tử: Bản sắc văn hóa Nam bộ

Chơi đờn ca tài tử Nam Bộ phải là nơi có phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên, các tài tử thích chơi giữa cảnh cầu tre lắc lẻo - gập ghềnh khó đi, cảnh trời trăng mây nước, rừng xanh nước biếc, đồng ruộng mênh mông hay dưới bóng mát tàng cây cổ thụ, lũy tre làng… Hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm.

Ở nông thôn Cà Mau, từ già, trẻ, bé, lớn… đều biết đờn ca, đó là lẽ đương nhiên. Trên đường đi khai thác gỗ, đi cấy cày, nhổ mạ, gặt lúa, xổ vuông, đi biển, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông, hay chống xuồng ba lá thanh thoát giữa rừng rậm U Minh… Những bài vọng cổ nằm lòng sẽ được ngân lên, thậm chí có bài nội dung không dính dáng gì với hoàn cảnh thực tại cũng ca “chay” (không có đệm đờn), lời ca phóng khoáng có sức truyền cảm lạ lùng. Không ai nghe thì ca “mình ên” nghe cho “đã”. Vì “nghệ sĩ” trước tiên là người thưởng thức sản phẩm của chính mình.

Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: “... chân phương hoa lá trong bài vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi mát, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ...”.

Chơi đờn ca tài tử nói chung và ca tài tử trên sông nước nói riêng có sức hấp dẫn, làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được. Vì đờn ca tài tử là bản sắc văn hóa Nam Bộ, văn hóa Việt Nam.

(Nguồn: website báo Đất Mũi)


26 tháng 1, 2009

Nhớ lại những ký ức miền quê


23h 45’ Mồng 1 Tết Cổ truyền năm Kỷ Sửa 2009.
     
     Tình cờ lang thang trên mạng, tôi đọc được các biên khảo của nhà báo Hồng Hạnh, nhà văn Sơn Nam và các tác giả khác viết về vùng đất Nam Bộ xưa, các trang viết làm cho tôi lâng lâng cảm xúc đồng cảm, liên tưởng và nỗi nhớ về quê hương với những ký ức xa xưa từ thuở nhỏ chợt ẩn hiện trong tâm hồn tôi. Và vì thế, dù chủ định hay không chủ định tôi hay bị cảm xúc của chính mình nắm níu về những ký ức của miền quê An Giang xa xưa, nơi tôi sinh ra. Ở đó, những con đò, những chiếc phà, những bến đợi, những dòng song, những con đường làng và những con người thuần chất Nam Bộ, luôn gợi cho tôi một nỗi niềm thương nhớ. Dù xa quê hương nơi tôi sinh ra, nhưng tôi vẫn luôn là một người Miền Tây Nam Bộ, vẫn luôn hãnh diện, tự hào mình là một người con của vùng Đồng bằng sông Cửa Long.
     Tôi xin mạn phép các tác giả, xin được trích đăng các bài viết, các biên khảo về vùng đất Nam Bộ xưa trong Weblog của tôi, để mọi người có thể đọc và nhớ về vùng đất Nam Bộ xưa của đất nước Việt Nam.
     Những trang viết về những vùng đất Nam Bộ, dường như đã thuộc về quá khứ, song lịch sử vùng đất Nam Bộ mãi là vùng đất của những ký ức thiêng liêng, của những thế hệ con người Miền Tây, dù cho năm tháng có tàn phai.

(Hòa Bình)

Nhà Tây ở xứ Bạc Liêu xưa



          Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ, ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperrae ra nghị định phân chia 6 tỉnh Nam kỳ thành 19 tiểu khu hành chính. Và đến 18/12/1882, Thống đốc Le Myre Vilers ra nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng, Rạch Giá lập thêm tiểu khu Bạc Liêu với viên chủ tỉnh đầu tiên là Lamothe de Carrier. Đến ngày 20/12/1989, toàn quyền Paul Doumer lại đổi khu thành tỉnh - lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau. Và dù cho Bạc liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác, song với những đặc điểm riêng biệt vốn có, Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp lúc bấy giờ. Trong một báo cáo tổng quát cho Thống đốc Nam kỳ vào năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã cho rằng: “…trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn...”.
Có lẽ do vậy, khi thành lập tỉnh Bạc Liêu, chính quyền lúc bấy giờ đã tiêu tốn khoảng tiền 40 ngàn đồng để xây cất dinh thự, công sở. Thêm vào đó, Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Bằng đồng tiền bóc lột từ mồi hôi của tá điền, các đại địa chủ đã xây cất nên một loạt nhà ở hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, Bạc Liêu chưa trở thành một đô thị lớn của vùng đồng bằng Nam bộ như lời “tiên đoán” trên 100 năm trước đây, song, những dãy biệt thự rêu phong, trầm mặc đã như một chứng tích vàng son của xứ Bạc Liêu xưa.

            Không như một số tỉnh khác như Cần Thơ hoặc An Giang, hiện nay, ở xứ sở Bạc Liêu vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự được xây cất theo lối kiến trúc phương Tây. Chỉ có một số ít ngôi nhà bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Chính điều này đã tạo nên cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng. Nói đến Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà của “Công tử” Bạc Liêu dọc theo bờ sông, nhớ đến công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm. Một số công trình kiến trúc đáng kể là Tòa Hành Chánh, Tòa Án, Dinh bố (nhà quan chủ tỉnh), nhà Huyện Sổn, nhà Hội đồngTrạch, nhà Hội đồng Điều, nhà ông Cao Triều Phát... Đến bây giờ người ta vẫn không biết đích xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch... đều được chuyên chở từ Pháp qua. Theo phỏng định của ông Ba Bé - Phó ty Kiến thiết trước đây - thì mãi đến những năm 30, 40 mới sử dụng gạch Phú Hữu (Đồng Nai). Nhưng dây chuyền công nghệ để làm nên gạch này cũng do người Pháp lắp đặt nên.
Điều đáng nói là loại trừ yếu tố vật chất, các kiến trúc sư người Pháp lúc bấy giờ đã đem lại một nét xây dựng khác hẳn, rất tiêu biểu và rất chân phương vào những năm đầu thế kỷ. Họ khai thác triệt để 3 yếu tố: cây xanh, ánh nắng, không gian. Đa số các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng xung quanh. Điểm lại một số biệt thự của tư nhân xưa, nay được sử dụng cho các cơ quan như: Thư viện tỉnh, Nhà trẻ mầm non, Viện kiểm sát, Báo Bạc Liêu... đều thấy rõ đặc điểm này. Đa số các ngôi biệt thự này dù lớn, dù nhỏ chí ít phải có trên 50 cửa sổ, cửa ra vào. Song, một bài học ở các kiến trúc sư người Pháp lại là “sự kết hợp hai yếu tố hiện đại và dân tộc vào kiến trúc”. Việc duy trì cái cũ khi xây dựng cái mới đã làm nên cái bản sắc độc đáo của mỗi vùng. Đa số các nhà Tây còn lại đều cho thấy việc tuân theo một quy tắc kiến trúc cổ điển: phần đằng trước đối xứng nhau, mái không phẳng và lợp ngói theo phong cách Đông phương. Và những yếu tố kiến trúc phương Đông này được các KTS người Pháp sử dụng tài tình. Tiêu biểu là mái ngói bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Chỉ vài nét đặc sắc như vậy đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những “dấu ấn Tây” ở Sài Gòn, Hà Nội... mà đặc biệt là Đà Lạt đã “Âu hóa” hoàn toàn.
            Điểm khác biệt ở một số ngôi nhà Tây ở Bạc Liêu - đa số là nhà của các đại điền chủ - là đã cải tiến lại, vẫn là 3 gian, 2 chái. Sảnh giữa nhà thường để bộ trường kỷ tiếp khách. Khi bước vào nhà của Huyện Sổn hay nhà của Hội đồng Trạch, chúng ta điều thấy rõ bên cạnh những phù điêu đắp cột, bao lam, gờ tường rất Tây lại là những cửa, những hương án, bình phong bằng gỗ cẩm lai, lim đen rất cổ kính. Điểm lạ là những nét nhấn này lại hết sức hòa hợp với nhau. Nét chung nhất của những ngôi nhà này vẫn là nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng đặc trưng. Bên trong nhà thường xuất hiện những hành lang, vòm trần cao vút. Hiện nay, các hoa văn trên vòm trần một số ngôi nhà vẫn còn giữa nguyên với màu sắc tươi tắn nguyên bản.
             Ở giai đoạn vài mươi năm sau đầu thế kỷ, một loạt nhà khác được xây dựng nên bởi kiến trúc sư Việt Nam được Pháp đào tạo tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Họ đã bớt câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ. Và chủ nhân của những ngôi nhà này lại là lớp trí thức “Tây học” nên cách xếp đặt, bài trí cũng khác hơn, mới hơn. Họ đã chú ý đến sân thượng, ban công, cách bố trí xếp đặt phòng khách. Hình khối kiến trúc đã không còn là khối phẳng như trước đây. Tiêu biểu là nhà biện lý Tòa Án, Chánh án tòa án (nay là CLB hưu trí, nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là trụ sở báo tỉnh), nhà bác sĩ Hào (nay là trường mẫu giáo)...



          Nhưng xét trên bình diện chung nhất, dẫu đó là nhà tư nhân hay dinh thự thì vẫn hồ nước mưa rất lớn. Có lẽ khi đó, các KTS Pháp đã nghiên cứu rất nhiều về xứ sở phù sa, nước mặn này. Song họ không xây hàng loạt những hồ nước mưa theo hình khối hợp cứng nhắc. Ở nhà “Công tử” Bạc Liêu thì trên nóc dãy nhà gia nhân dài hàng mấy chục thước là hồ chứa nước mưa. Bên trên hồ trở thành sân thượng thông qua một sảnh lớn, nếu không tinh ý, sẽ không ai nhận ra nắp hồ. Hoặc ở nhà Huyện Sổn, bên trên hồ nước ở góc sân, chủ nhân đã cho xây lên một tháp canh sừng sững. Một số ngôi nhà khác, hồ nước mưa nằm bên dưới mặt sân bên ngoài. Nhiều hồ rất lớn, diện tích bên trên mặt hồ có đến vài ba chục mét vuông. Mỗi hồ nước mưa này có thể đủ để sinh hoạt cho một đại gia đình suốt năm. Chuyện Hội đồng Trạch cho xe kéo chở nước xài cho con mình mãi tận Giá Rai, có lẽ là chuyện thật. Những giai thoại về ăn chơi của xứ “công tử Bạc Liêu” đã khoác lên cho những dinh thự, biệt thự này một bí ẩn khác lạ. Theo dòng thời gian, rêu phong đã phủ đầy lên các khung sắt, gờ tường, nhưng những đường nét kiến trúc lạ lẫm vẫn cứ sừng sững giữa miền quê sông nước mênh mông. Nó vẫn là dấu hỏi thách đố những ai đang muốn “bóc” lại những nhát cắt lịch sử.
          Đến tận bây giờ, những người dân Bạc Liêu, dù cố cựu hay tha phương đều xem quần thể kiến trúc này là một di sản tinh thần của riêng mình. Đó là niềm tự hào hay hoài niệm của người xa xứ. Điều họ tự hào là những quần thể kiến trúc ấy lại nằm giữa một vùng phù sa gần chót mũi Tổ Quốc - nơi vốn mệnh danh là xứ sở của những người đi khẩn hoang. Lịch sử đó đã trên một trăm năm nay. Nhưng cảnh hoang phế, rêu phong ấy liệu có xóa dần đi những nét đặc sắc riêng của Bạc Liêu hay không.
Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ. Điều đáng quí nhất, nó nằm tập trung theo một quy hoạch nhất định ở hai bên bờ sông. Và trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến năm 1945 - rất may là ít có nhà nào bị đập bỏ ở quy mô lớn. Thế nhưng , nỗi lo ở đây lại bắt nguồn từ sự không có ý thức, hoặc thiếu một hiểu biết, tôn trọng quá khứ nhất định. Đa số các ngôi nhà này đều được sử dụng làm công sở nhà nước. Nhiều cơ quan đã chỉnh sửa, phá vỡ nét kiến trúc ban đầu để phù hợp với công việc của mình. Sau năm 1975, Bạc Liêu đã nhiều lần tách nhập, hoặc di dời trung tâm tỉnh lỵ. Mỗi một lần như vậy, các ngôi nhà xưa lại có thêm chủ mới. Và điều kế tiếp, lại có thêm những chỉnh sửa mới. Tất cả đã trở thành một thứ “tả pín lù” không thể chấp nhận được. Nhiều ngôi nhà bị sơn phết, ngăn che, lắp rắp đến đau lòng. Ngay như ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, nay đã được tô trét, đập phá nét xưa để hiện hữu cái gọi là “Khách sạn Công tử Bạc Liêu” chẳng còn gì nét xưa cũ.
          Một nỗi lo khác lại từ việc quy hoạch đô thị. Một số người có tâm huyết với vốn văn hóa xưa đã nghĩ ngay đến việc quy hoạch một khu phố cổ - hiện giờ là trung tâm thị xã. Khu phố đó có thể từ ngã tư Quốc tế vòng quanh Bệnh viện, kéo đến rạp hát Cao Văn Lầu và hai dãy phố ven sông Bạc Liêu có cầu Quay bắc qua. Họ đã có lý khi nêu lên một nguyên tắc xây dựng đô thị của KTS người Đức J.Stuben - “phải biết tôn trọng quá khứ, không được thay đổi hay di dời cái trung tâm thành phố cũ mà chỉ xây dựng cái mới song song với cái cũ”. Sau khi tách tỉnh, Bạc Liêu đã có một quy hoạch tổng thể chung. Theo đó, khu trung tâm hành chánh sẽ riêng biệt với những con đường mới. Hiện trạng khu trung tâm hiện nay sẽ được giữ nguyên. Chưa kịp mừng, chỉ vài tháng sau, một trung tâm thương mại với những dãy nhà cao tầng xây dựng sừng sững kế bên công viên hàng me cổ kính. Và rồi, “Nhà dây thép” xưa đang bị đập bỏ, phá vỡ. Những cột móng bê tông đang để tập kết la liệt. Không hiểu một kiến trúc gì sẽ nằm giữa Tòa hành chánh, Dinh tỉnh trưởng cũ vốn rất oai nghiêm, trầm mặc.
          Trước đây, khi xây dựng trụ sở Tỉnh ủy Minh Hải cũ (nay là trung tâm ĐH tại chức Bạc Liêu), kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã để lại một công trình đồ sộ, oai nghiêm nhưng vẫn hòa lẫn với không gian bên ngoài. Để rồi nó hòa nhập với các dinh thự kế đó thành một tổng thể mang tính nghệ thuật, đan xen giữa kiến trúc và cây xanh. Phải chăng, những dạng tổng thể như vậy đã bị co cụm, cắt xén trong thời buổi kinh tế thị trường. Chúng ta có thể quy hoạch lại một đô thị mới nằm song song, dẫu có muộn đi đôi chút. Song việc phá vỡ đi nét kiến trúc cổ liệu đến bao giời mới phục hồi, tái tạo. Những ngôi nhà Tây xưa, nó không có giá trị cao khi chúng ta chỉ xem xét phiến diện. Nó chỉ có giá trị khi được nằm trong một tổng thể chung. Và cái tổng thể này đã trở thành một giá trị tinh thần của xứ sở Bạc Liêu. Vùng đất này đang tính đến chuyện sẽ đi lên bằng thế mạnh du lịch. Nhưng liệu hôm nay chúng ta có cất cánh nổi không, khi vẫn còn những xâm phạm, những vết cắt vào những giá trị tinh thần của một quần thể vật chất xưa. Những ngôi nhà ấy ngủ quên đến bao giờ.

(Theo Dấu xưa Nam Bộ)

Happy new year


Web Bolg kientrucvacuocsong.blogspot.com xin Kính chúc bạn bè, thân hữu cùng tất cả mọi người một mùa xuân an khang, thịnh vượng, đầm ấm và hạnh phúc, một năm mới nhẹ nhàng, yên vui.

Kỷ sửu xuân về vui khắp nơi
Năm trâu làm ăn rủng rỉnh tiền
Năm mới xuân sang đời tươi rói
Làm ăn tấn tới dạ thảnh thơi.

Con trâu và nền văn hóa Việt


     Tết Kỷ Sửu và năm con Trâu đã đến. Trong 12 con giáp, Trâu có lẽ là con vật gần gũi, có ích, liên quan mật thiết nhất với cả đời sống áo cơm và đời sống tâm linh của người Việt.

     Hồ Tây, một thắng cảnh của Hà Nội, trước khi mang tên Dâm Đàm (hồ Mù Sương) ở thời Lý, Đoái hồ, Tây hồ (hồ ở phía tây kinh thành) dưới thời Lê, đã từng mang tên hồ Trâu, hồ Trâu vàng... Một câu thơ cổ còn nhắc nhở:

Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục,
Long đỗ nhưng lưu bách chiến thành.
(Hồ Trâu đã trải ba triều đại,
Thành (bách) chiến còn lưu đất Rốn Rồng).

     Ở Hồ Trâu và dòng sông Kim Ngưu - một nhánh sông Tô chảy bao quanh phía nam Hà Nội, từ tây sang đông - còn gợi lại một huyền tích của thời kỳ thần thoại Việt Nam:

     Ở vùng đầm lầy chân núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con Trâu vàng náu mình. Một pháp sư dùng gậy (tích trượng) yểm trên trán trâu. Trâu vùng vằng lồng chạy xuống phía nam, quần nát cả một vùng Khoái Châu lầy lội, vùng ấy sau gọi là Vũng trâu đằm. Chưa hết cơn giận dữ, Trâu lại bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía bắc, đường do vết chân trâu dẫm lún thành sông Kim Ngưu. Rồi trâu chạy vòng vo làm sụt cả một vùng thành đầm hồ và ẩn kín dưới nơi ấy, đó là hồ Trâu Vàng. Tương truyền nhà ai sinh được mười trai thì 10 chàng trai đó sẽ kéo được Trâu vàng lên mà hưởng phúc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng nhà ai đủ mười trai... (Xem Lĩnh Nam chích quái).

     Huyền thoại 1à một cách thức, tư duy, cảm nghĩ của người xưa, đầy mộng mơ siêu thực song và vẫn bắt nguồn từ hiện thực...

     Trâu là loài sinh vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy - ấm - ẩm, vốn sinh sống thành bầy, có thủ lĩnh đầu đàn. Quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại trâu ăn. Trâu rừng (Bubalus bubalis), tổ tiên của các loại trâu nhà, vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông Nam Á nhiệt đới - gió mùa – thấp ẩm. Cách đây không lâu, trâu rừng còn tồn tại khá phổ biến ở miền trung nước ta.

     Đến cuối thời đá mới, cách ngày nay 5.000 - 6.000 năm cùng với sự ra đời của nghề nông trồng lúa ở các thung lũng chân núi và đông bằng ven biển, con trâu đã được thuần phục và thuần dưỡng. Xương trâu bò nhà đã được giới khảo cổ học tìm thấy phổ biến trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Tiên Hội, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Đậu (Phú Thọ và nhiều nơi khác. Đầm lầy, môi trường sinh thái của loài trâu, cũng là quê hương của loài lúa. Con trâu và cây lúa gắn bó với nhau, từ thời hoang dại cũng như từ lúc được con người thuần dưỡng, như một câu thành ngữ Thái:

Nhinh chăm trai, quai chăm cả.
(gái gần trai, trâu gần mạ).

     Trâu được sử dụng cùng với người vào việc dẫm nát cỏ, sục bùn trong ruộng để sửa soạn đất đai trồng lúa. Lề lối canh tác mà sách cổ gọi là “thủy nậu” (cày bằng nước, đưa nước và ruộng rồi lùa trâu xuống dẫm cỏ, sục bùn) này, cho tới trước sau Cách mạng Tháng 8 vẫn từng phổ biến trong các thung lũng Thái – Mường, miền Tây Bắc.

     Hàng trăm lưỡi cày đồng các loại thuộc nền văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công Nguyên) tìm thấy ở Cổ Loa và nhiều nơi khác đã được giới khảo cổ học Việt Nam cày thực nghiệm bằng trâu kéo trên chín loại đồng đất khác nhau của miền châu thổ sông Hồng...

     Kể từ thời đại vua Hùng, con Trâu trở thành một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam. Cảnh sắc thường thấy trong môi trường sinh thái - nhân văn Việt Nam là cảnh:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa



     Trâu kéo cày dưới thung đồng. Trâu kéo gỗ trên ngàn, kéo lết không cần xe bánh... Những đoàn xe câu đi trên đường Trường Sơn, từ Quảng Bình tới Quảng Nam, đã được Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) mô tả kỹ lưỡng trong Kiến văn tiểu lục... Thảng hoặc, trâu còn được dùng trong chiến trận. Đinh Bộ Lĩnh và bày trẻ mục đồng trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say và lùa xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công…

Từ đời sống thực tại, con trâu đã đi vào đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.

Tượng trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... hơn ba nghìn năm trước.

     Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá nửa quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới ba nghìn năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Giữa đêm trường Bắc thuộc, sách Giao châu ký (thế kỷ 3) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nang véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm. Con Trâu hiện diện trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17-18.

     Hình sừng trâu gợi lên hình ảnh Trăng lưỡi liềm và được dùng làm biểu tượng của Trăng. Một huyền thoại của miền ven biển Việt Nam được ghi lại từ thế kỷ 6 trong sách Thủy kinh chú chép rằng: Huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngâm đáy nước) chúng thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước, sừng trâu sẽ cứng lại rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Đó là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng: Trăng với thủy triều và giống trâu nước có liên quan về thời tiết. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề chép rằng: Thời Trần, có Yết Kiêu, người Gia Lộc (Hải Dương), một hôm đi trên bờ biển thấy hai con trâu nước chọi nhau. Ông dùng đòn gánh phang, trâu lặn xuống nước mất tích. Thấy trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó ông có tài bơi lặn, đi lại dưới nước như đi trên cạn! Huyền thoại trâu nước là huyền thoại về Trăng và thủy triều, rất phổ biến cùng với tục thờ Trăng, thờ Trâu ở miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngày hội Trăng mùa thu ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây còn giữ tục lệ thi chơi trâu:

Dù ai buôn bán đâu đâu,
Mồng mười tháng Tám chọi trâu thi về!

     Tục lệ ấy là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ Trăng. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Chọi trâu hằng năm là để tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời - Đất - Con người...

     Xin chú thích thêm rằng các thầy đồ Nho học ngày xưa thường dạy học trò: “Ngưu là trâu, mã là ngựa...”. Đó là một sự hiểu lầm. Người Hoa khởi nguồn từ miền hoàng thổ khô hạn vùng Hoa Bắc, lưu vực Hoàng Hà, ở đó chỉ, có giống bò và “ngưu” chỉ có nghĩa là “bò”. Triển nở và bành trướng xuống miền nam, người Hoa mới thấy con trâu và mệnh danh nó là “thủy ngưu” (bò nước) hay “hắc ngưu” (bò đen).

     Quê hương của trâu là miền đầm lầy ở ASEAN và nó là một nét đặc trưng không thể nào lu mờ của bản sắc văn hóa khu vực ASEAN.

Đặng Trung Thành
(Tổng hợp từ Internet)

Bay Hà Nội - TP.HCM vào dịp tết với giá 450 nghìn đồng


     Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam – Jetstar Pacific vừa công bố đơn vị này sẽ triển khai chương trình bán vé rẻ trên một số chuyến bay nội địa trong giai đoạn Tết Nguyên Đán – Kỷ Sửu 2009.

     Theo đó, từ ngày 16/1 đến 26/1/2009 vé máy bay được bán với mức giá từ 150 nghìn đồng/chặng giữa Đà Nẵng - TP.HCM; từ 450 nghìn đồng/chặng giữa Hà Nội - TP.HCM.

     Chiều từ TP.HCM đi Hà Nội và Đà Nẵng, vé được mở bán cho các chuyến bay khởi hành trong giai đoạn từ 29/1 đến 6/2/2009.

     Bà Nguyễn Thị Thúy Bình – Phó Tổng Giám đốc Thương mại Jetstar Pacific cho biết: "Giờ đây, thay vì con cái có thể ra bắc ăn Tết cùng bố mẹ thì họ có thể lựa chọn cách mới là đón bố mẹ vào ăn tết cùng con cái để tiết kiệm chi phí thông qua chương trình bán vé rẻ của Jetstar Pacific"

    Cũng theo bà Bình, đợt bán vé rẻ này là một trong những chương trình hành động nhằm kích thích nhu cầu đi lại trên các chuyến bay lệch đầu.

     Để biết thêm chi tiết, hành khách có thể truy cập vào www.jetstar.com hoặc điện thoại đến Tổng đài 39.550550 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 3.583583 tại Đà Nẵng để được phục vụ.

(TX)

24 tháng 1, 2009

Treo cờ Tổ quốc và nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009


Thứ sáu, 16/1/2009, 09:42 GMT+7

     UBND tỉnh BR-VT thông báo về việc treo cờ Tổ quốc và nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu như sau:

      Treo cờ Tổ quốc tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội từ ngày 25-1-2009 đến hết ngày 3-2-2009 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tý đến ngày mùng 9 tháng Giêng - Kỷ Sửu); tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ gia đình từ ngày 25-1-2009 đến hết ngày 28-1-2009 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tý đến ngày mùng 3 năm Kỷ Sửu,

       Tết Nguyên đán năm Kỷ Sửu 2009, người lao động được nghỉ 4 ngày: từ ngày 25-1-2009 đến hết ngày 28-1-2009 ((nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tý đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Kỷ Sửu). Do ngày nghỉ Tết trùng vào ngày Chủ nhật (30 tháng Chạp năm Mậu Tý), vì vậy, người lao động được nghỉ bù vào ngày 29-1-2009.

Thông qua kịch bản Khai hội thần công “Lộc An- huyền thoại những con tàu” tỉnh BR-VT


Ông Võ Thành Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt kịch bản chương trình Khai hội thần công “Lộc An- Huyền thoại những con tàu” tại hai huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ.

Theo đó, chương trình Khai hội thần công Lộc An diễn ra từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 ngày mùng 5 Tết Kỷ Sửu (30-1-2009) tại đài tưởng niệm đoàn tàu không số Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc).

Chương trình có các nội dung chính: Lễ dâng hương; khai hội thần công (bắn 15 loạt đạn) xen lẫn với các bài hát ca ngợi truyền thống dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử.

Sau 15 loạt đạn thần công là chương trình khai mạc lễ hội; công bố các sự kiện văn hoá, du lịch năm 2009 của hai huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Kết thúc là chương trình nghệ thuật “Lộc An- huyền thoại những con tàu” với 2 chương Huyền thoại sông Ray và Lộc An mùa xuân về là những bài hát về sông Ray, về quê hương, đất nước, những con tàu không số, về mùa xuân…

(ĐỨC ANH)

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh BR-VT thăm, chúc tết 2 doanh nghiệp.


Ngày 19.1, ông Nguyễn Tuấn Minh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành trong tỉnh đã đến thăm và chúc Tết tại Công ty Viễn Thông và Công ty TNHH Strategic Marine.

Ông Vũ Minh Khiêm: Giám đốc Viễn thông tỉnh cho biết, cùng với sự phát triển chung của toàn ngành, năm 2008 Viễn thông tỉnh đạt doanh thu 315 tỷ, tăng trưởng 13% và nộp ngân sách 24 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt chính sách chăm sóc, ưu đãi khách hàng nên Viễn thông tỉnh đã chiếm từ 75 đến 87% thị phần về mạng điện thoại cố định, di động và Internet. Riêng huyện Côn Đảo là 1 trong 4 huyện đảo có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc và đảm bảo chất lượng, dịch vụ phục vụ cho công tác quản lý điều hành, chỉ đạo của các ngành các cấp.

Tại công ty TNHH Strategic Marine trong Khu Công nghiệp Đông Xuyên, ông Mark Andrew: Tổng giám đốc cho biết: chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, năm 2008 là năm thành công của Công ty, với doanh thu 30 triệu USD, lợi nhuận là 12%, đảm bào việc làm ổn định cho 1500 công nhân. Cơ sở đóng tàu tại VN là cơ sở lớn nhất trong 4 chi nhánh ở các nước. Năm 2009 Công ty hướng tới việc nâng cấp sửa chữa các giàn khoan trong ngành dầu khí và mở trường quốc tế tại Vũng Tàu, nhằm đào tạo công nhân có tay nghề giỏi cho ngành công nghiệp tại địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nổ lực phấn đấu của 2 doanh nghiệp trong năm 2008. Trước những khó khăn thử thách của năm 2009, Bí thư Tỉnh ủy gởi lời chúc mừng năm mới đến cán bộ công nhân của 2 Doanh nghiệp và bày tỏ tin tưởng 2 doanh nghiệp sẽ chọn những bước đi thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

(Trinh– Trung)

Lãnh đạo tỉnh BR-VT thăm và chúc Tết các đơn vị bộ đội biên phòng và gia đình chính sách.


Sáng ngày 20/01, ông Võ Thành Kỳ - PCT UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh đã đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 484 Bình Châu, Đồn biên phòng 492 Thuận Biên và các gia đình chính sách huyện Xuyên Mộc.

Tại các đồn biên phòng, ông Võ Thành Kỳ, PCT UBND tỉnh đã ân cần thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ và hưởng một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc. Ông đã thông báo sơ nét tình hình kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị quân đội cũng đã cám ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và nhân dân trong tỉnh thời gian qua đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như chăm lo chính sách hậu phương quân đội.

Dịp này, đoàn cũng đến thăm chúc Tết và tặng quà cho ba bà mẹ Việt Nam anh hùng: Tạ thị Thiếp (Xã Xuyên Mộc), Nguyễn Thị Hóa ( xã Phước Thuận) và Đặng Thị Liễu ở Thị trấn Phước Bửu.

(BẢO TRUNG)

Lãnh đạo tỉnh BR-VT tiếp tục đi chúc tết các đơn vị bộ đội và các mẹ Việt Nam anh hùng.


Ngày 20.1, đoàn đại biểu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tỉnh BRVT do ông Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy

Tại các nơi đến, ông Nguyễn Văn Cường đánh giá cao sự đóng góp của các đơn vị trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương. Đồng thời, nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của anh em sĩ quan, chiến sĩ để anh em làm tốt nhiệm vụ được giao và sẵn sàng chiến đấu. Nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu sắp đến, ông gửi đến toàn thể sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang lời chúc mừng năm mới, an lành và yên vui.

Đến thăm và tặng các mẹ Việt Nam anh hùng mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, ông Nguyễn Văn Cường chúc các mẹ Việt Nam anh hùng sống lâu trăm tuổi, sống vui, sống khỏe và là tấm gương cho con cháu noi theo.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hồng Xinh – PCT HĐND tỉnh dẫn đầu đoàn đại biểu của tỉnh đi thăm và tặng quà cho các đơn vị Sư đoàn 302 – Long Giao, Trung đoàn 88 – Long Giao.

Tại những nơi đến, đaị diện lãnh đaọ các đơn vị đã thông báo với đoàn về tình ăn, ở và sinh hoạt của các cán bộ chiến sĩ, sĩ quan trong đơn vị. Sư đoàn 302 và Trung đoàn 88 do tính chất đặc thù nên tất cả chiến sĩ của phaỉ có mặt đầy đủ và xuyên suốt trong dịp tết, nên lãnh đạo các đơn vị đã chuẩn bị chu đáo việc tổ chức vui xuân đón tết cho chiến sĩ. Môĩ chiến sĩ ở đây được hỗ trợ bình quân 400.000đ để ăn tết.

Sau khi thông báo những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế- xã hội năm 2008 của tỉnh, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, bà Nguyễn Thị Hồng Xinh đã trao tặng mỗi đơn vị một phần quà trị giá 500 ngàn đồng và 2.500.000 tiền mặt để góp phần cùng anh em trong đơn vị vui xuân đón tết.

(Minh Lý - Xuân Thủy)

Lãnh đạo tỉnh BR-VT tiếp tục thăm và chúc tết các đơn vị


Nhân dịp tết nguyên đán Kỷ Sửu, ngày 20/1, ông Trần Minh Sanh , chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và chúc tết Trung tâm cô nhi khuyết tật thị xã Bà Rịa và tiểu đòan 59 bộ đội tên lửa .Cùng đi có ông Trần Văn Thức, phó đòan đại biểu quốc hội tỉnh BRVT và đại diện Sở LĐ-TB-XH.

Tại Trung tâm cô nhi khuyết tật thị xã bà Rịa, đồng chí Trần Minh Sanh đã ân cần thăm hỏi tình hình nuôi dạy các cháu nhỏ . Hiện nay trung tâm đang nuôi dạy 83 cháu , trong đó có 16 trẻ sơ sinh . Tất cả trẻ đang sống tại trung tâm đều đựơc đi học mẫu giáo , học phổ thông tại các trường trên địa bàn thị xã . Đặc biệt, một số cháu đã thi đậu đại học, cao đẳng. Ông Trần minh Sanh biểu dương những cố gắng của các thầy cô giáo và căn dặn các thầy cô cố gắng nuôi dạy các cháu thật tốt, bù đắp cho các cháu những thiệt thòi trong cụôc sống. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND , UBMTTQVN tỉnh, đồng chí Trần Minh Sanh đã tặng quà tết cho trung tâm .

Đến thăm tiểu đòan 59 bộ đội tên lửa thụôc trung đòan 261, sư đòan phòng không 367 , quân chủng phòng không không quân đóng trên địa bàn xã Láng Dài, đồng chí Trần Minh Sanh ân cần thăm hỏi tình hình đời sống của cán bộ chiến sĩ. Lãnh đạo đơn vị đã báo cáo về tình hình thường trực chiến đấu , kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự dịp tết nguyên đán trên địa bàn và bày tỏ sự cảm động trứơc tình cảm của chính quyền, nhân dân địa phương dành cho đơn vị. Ông Trần Minh Sanh ghi nhận những đóng góp không nhỏ của đơn vị trong việc bảo vệ và giữ vững an ninh qúôc phòng trên địa bàn tỉnh. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, đồng chí Trần Minh Sanh đã tặng quà tết và chúc cán bộ chiến sĩ tiểu đòan 59 luôn xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ và đón một mùa xuân Kỷ Sửu thật an lành .

* Ông Trần Công Hiểu- quyền Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cũng đã đến thăm và tặng quà 4 đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh gồm: Tiểu đoàn tên lửa D95, tiểu đoàn D9-trường sĩ quan lục quân, tiểu đoàn tên lửa D94 và đồn biên phòng 526 Long Sơn và Trường khiếm thị tỉnh.

Tại các nơi đoàn đến thăm, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm 2008, ông Trần Công Hiểu ghi nhận và biểu dương các thành tích đã đạt được của cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong năm qua, gửi lời chúc tốt đẹp đến toàn thể cán bộ chiến sĩ của các đơn vị, chúc các cán bộ chiến sĩ trong năm mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ an toàn cho nhân dân vui xuân đón tết.

(PHẠM NHUNG)

Ông Võ Thành Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT thăm và chúc Tết các đơn vị trực Tết


Nhân dịp tết nguyên đán 2009, ngày 21/1, đoàn đại biểu của tỉnh do ông Võ Thành Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã tới thăm và chúc tết các đơn vị làm nhiệm vụ trực tết gồm: Đài PTTH tỉnh, Bệnh viện Bà Rịa, BV Lê Lợi, đoàn ca múa nhạc và trung tâm văn hóa thông tin tỉnh.

Thay mặt đoàn, ông Võ Thành Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những đóng góp của các đơn vị trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh BRVT vẫn nỗ lực hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đứng thứ 3 trong tòan quốc về thu ngân sách ( trừ dầu khí ), chỉ sau Hà nội và TPHCM. Ông Võ Thành Kỳ nhấn mạnh, hơn lúc nào hết vào thời điểm tết nguyên đán , Đảng bộ và nhân dân tỉnh BRVT rất mong cán bộ, công nhân viên các đơn vị nói trên khắc phục những khó khăn, trực chiến trên các mặt trận để đem đến cho người dân tỉnh nhà những ngày tết thật sự an toàn, vui tươi và hạnh phúc.

(Lương Lan)

Đêm khai Hội Hoa xuân TP.Vũng Tàu


Chiều tối 27 tháng chạp, lễ Hội Hoa xuân với chủ đề “ Xuân hội tụ” mừng Tết Kỷ Sửu 2009 đã chính thức khai mạc tại khu tam giác Bãi Trước, TP. Vũng Tàu.

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động Khai hội văn hóa-du lịch BRVT 2009 . Lễ hội hoa xuân là nơi hội tụ những sản phẩm có chất lượng cao về cây xanh, hoa cảnh và là cầu nối giao lưu gặp gỡ của những nghệ nhân trong làng hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh. Trong lễ khai mạc có chương trình nghệ thuật mừng Xuân, mừng Đảng đã thu hút khá đông du khách và nhân dân TPVT đến xem và cổ vũ. Để bảo vệ an tòan cho lễ khai mạc hội hoa xuân, lực lượng Công an TP.Vũng Tàu đã phối hợp chặt chẽ với BCH Quân sự TP.Vũng Tàu, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tuần tra, chốt chặn, hướng dẫn và phân luồng giao thông giúp người và phương tiện lưu thông có trật tự, không để xảy ra tình trạng kẹt xe. Các đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tuần tra kiểm soát trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó đêm hội hoa xuân và đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng mừng Đảng, mừng Xuân 2009 diễn ra tại khu tam giác Bãi Trước và số 1 Bacu, TP.Vũng Tàu được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

(Lương Lan)

UBND tỉnh BR-VT họp về công tác phục vụ nhân dân trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009


Ngày 23/1/2009, nhằm ngày 28 tháng chạp, UBND tỉnh đã có cụôc họp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thụôc tỉnh để thông qua kế hoạch chuẩn bị cho tết nguyên đán Kỷ Sửu. Ông Trần Minh Sanh, chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì cụôc họp.

Theo báo cáo của các sở,ngành, tính đến 14h chiều ngày 22/1/2009, nhằm ngày 27 tháng chạp, mọi công tác chuẩn bị cho nhân dân đón tết nguyên đán Kỷ Sửu đã cơ bản đựơc hòan tất. Ngành VH-TT&DL đã chuẩn bị chu đáo các chương trình, lễ hội mừng xuân mới . Các sở, ngành chức năng đã triển khai chu đáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, công khai niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết , kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ , thực hiện tặng quà tết cho các đối tượng gia đình chính sách, gia đình nghèo , đảm bảo cho tất cả mọi gia đình đều có điều kiện mua sắm tết .

Cơ quan công an và quân đội đã triển khai chu đáo kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự trong suốt dịp tết Nguyên đán. Ngành y tế đã tiến hành công tác trực gác cấp cứu 24/24h, đảm bảo phục vụ chu đáo khám chữa bệnh cho nhân dân trong súôt dịp tết. Riêng về thị trường tết và giá cả hàng hóa, theo báo cáo của Sở công thương, tết nguyên đán năm nay sức mua giảm mạnh so với các năm trứơc. Ngày 29 và 30 tết dự báo sức mua tăng lên, giá cả có thể sẽ nhích hơn, nhưng mức tăng không đáng kể và sẽ không có đột biến về giá. Báo cáo của UBND các địa phương trong tỉnh cũng cho thấy công tác chuẩn bị cho bà con nhân dân đón tết đã hòan tất.

Ông Trần Minh Sanh, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan công an , quân đội phải tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự , kiên quyết ngăn chặn và phòng chống tình trạng tàng trữ, chuyên chở và sử dụng pháo nổ và phải chủ động triển khai các phương án phòng ngừa các tình huống như đua xe, cháy nổ và những vấn đề phức tạp khác. Bằng mọi giá phải đảm bảo cho nhân dân BRVT đón xuân trong an lành, hạnh phúc.

(Lương Lan)

23 tháng 1, 2009

Từ "Thượng Đế" đến "Osin"


Khi nhà đang xây, chủ nhà là khách hàng - "Thượng đế" của Kiến trúc sư. Khi nhà xây xong, dọn về ở, chủ nhân của ngôi nhà đã từ một người đặt hàng, nay trở thành người thụ hưởng. Và từ đó trở đi, ngôi nhà không còn chịu sự tác động của "người ngoài" là ông KTS nữa mà là của chính chủ nhà. Và không phải ai cũng có thể tôn tạo cho ngôi nhà của mình đẹp hơn hay chí ít cũng bằng với những ngày đầu "tân gia". Thực tế, chủ nhà rất dễ trở thành "Osin" cho ngôi nhà của mình. Đây là những điều chia sẻ của KTS.Dương Hồng Hiến với Báo KT&ĐS.  

1. Từ "Thượng Đế" đến "Osin":

Khi chia tay với KTS, chủ nhà sẽ đối diện với thực tế là ngôi nhà phải được chăm sóc hàng ngày. Lau căn nhà rộng bốn, năm tầng, chăm sóc sáu bảy cái nhà vệ sinh, giải quyết chuyện nước rỉ, đương đầu với những vết ố thấm dột.

Vì vậy trước khi nhận nhà, đừng vội sung sướng ngắm nghía những cái đã đẹp rồi, hoàn chỉnh rồi, mà phải thử vận hành toàn bộ các hệ thống kỹ thuật điện nước của ngôi nhà. Những vết sơn quên chùi, còn vấy lên đâu đó sẽ bị lãng quên và vĩnh viễn nằm ở những nơi không mong đợi.

2. Sự thêm vào:

Cho dù có được bố trí đồ nội thất hoàn chỉnh thì trong những năm tháng sau đó của ngôi nhà, vẫn có đồ đạc thêm vào. Lúc thì thêm một cái bình bông, khi thì thêm một cái tượng, bữa kia thì thêm một tấm tranh bạn tặng ... Đây chính là một thử thách mới cho chủ nhân.

Có người ý thức khi tìm chỗ thích hợp để đặt nó vào nhưng có người thì không. Vì vậy, nên tham khảo người đã giúp thiết kế ngôi nhà mặc dù đôi khi chính người thiết kế cũng lúng túng. Tuy vậy có người góp ý còn hơn không, nhất là người chuyên môn.

3. Sự tùy tiện:

Bận bịu với công ăn việc làm, chủ nhân đâu còn hơi sức mà nhìn ngắm ngôi nhà. Đôi khi chính người gia nhân là nhân vật xê dịch những đồ đạc trong nhà theo ý muốn để tiện sử dụng. Một cái ghế cao dành cho con nít trong phòng ăn lại nằm vĩnh viễn ở phòng ngủ vì một lần mang lên làm ... thang. Màn cửa lúc thiết kế cùng màu, cùng hoa văn với drap giường nhưng khi thay drap giường đã không quan tâm đến màu sắc màn cửa. Sự tùy tiện đã làm xấu đi ngôi nhà.

4. Sự quen mắt:

Cũng là sự tùy tiện, nhưng điều tệ hại hơn hết là sự quen mắt. Hàng ngày đi qua đi lại cái hòn non bộ, một ngày đẹp trời ta phát hiện ra cái chổi chà nằm gác ngang qua thành hồ rất nhiều tuần lễ mà ta không để ý.

Một cái giẻ lau nằm vắt ngang lan can nhôm kính cường lực trong veo rất nhiều hôm rồi. Đó là sự quen mắt. Nhưng người khách đến thăm nhà bạn, họ sẽ thấy nó. Thỉnh thoảng hãy ngắm lại ngôi nhà bằng cặp mắt người khách lạ.

5. "Đoạn tuyệt" Kiến trúc sư:

Hạnh phúc của người bác sỹ là được gặp lại bệnh nhân khỏe mạnh, KTS cũng sẽ rất vui khi vẫn còn được thăm viếng lại ngôi nhà mình thiết kế. Đừng đoạn tuyệt với KTS dù mọi việc đã xong, bạn sẽ có được rất nhiều góp ý dù rằng ngôi nhà đã được thổi cái hồn sinh hoạt vào bởi chính chủ nhân của nó rồi.

Đôi khi chính KTS cũng sẽ ngạc nhiên với những gì bạn làm và sự đồng điệu vốn có sẽ có lúc được nâng cao hơn một bước nhờ những lần trao đổi về sau.

6. Thay đổi công năng:

Những đứa con lớn lên sẽ ra riêng không còn ở với bố mẹ, ngôi nhà trở nên dư thừa một số phòng. Do thay đổi công ăn việc làm, không còn thói quen tụ tập bạn bè nên bar rượu tại nhà, những không gian ấy nay trở nên vô vị. Có tuổi, leo lầu khó khăn, ngôi vườn sân thượng hoang phế, trở thành nhà kho cho cô giúp việc. Ta sẽ làm gì với chúng?

Tốt nhất hãy nghĩ đến việc này ngay khi còn làm "Thượng đế" nghĩa là lúc còn giao việc cho KTS thiết kế ngôi nhà. Trách cách nghĩ cuộc đời sẽ mãi mãi với mình như thế.

7. Sự lãng quên:

Ta chừa một cái hốc để dành cho một tấm tranh sơn mài nhưng ta chưa có, đành để trống vài ... năm. Ta dành một ngọn đèn tường một hòn non bộ, nhưng mãi mãi sợi dây điện vẫn thò ra đó mà chẳng bao giờ có ngọn đèn cho đến cái ngày đập hòn non bộ.

Sự lãng quên thường đến với những người muốn có nhà đẹp nhưng khó tính, lại nhiều việc bận bịu. Vậy hãy dứt điểm những gì cần làm ngay khi niềm vui thích về ngôi nhà mới vẫn còn tươi rói.

8. Sự bão hòa:

Chiến đấu với ngôi nhà tới phút chót, hôm nay nhận nhà trong tâm trạng rã rời thân thể, cạn kiệt kinh phí, cạn kiệt niềm hứng khởi, chỉ mong cho xong cho rồi. Ai bảo bỏ cái gì vào cũng gật, ai treo gì lên tường cũng ừ. Vậy là bao nhiêu ý tưởng chắt lọc từ catalogue, gởi gắm (và "hành hạ" KTS) lúc thiết kế đã phăng teo.

Trừ phi bạn không còn tin KTS, để họ quyết định thay cho bạn theo cách của họ. Để giải quyết việc này, bạn bớt nhúng sâu vào giải pháp mà hãy bàn với họ một cách "khái quát", đừng cụ thể, đồng thời khoan phản đối, dành thời gian chiêm nghiệm.

9. Đồ mới nhập gia:

Bạn sẽ thiếu sót nếu không nghĩ đến đồ nội thất từ giai đoạn thiết kế. Chủ nhân của ngôi nhà sẽ cảm thấy hối tiếc khi bỏ ra một món tiền rất lớn để mua một bộ đồ nội thất nhưng vẫn không thấy đẹp.

Một là to quá, hai là nhỏ quá, hoặc là màu sắc chói quá. Cách tốt nhất để giải quyết là thuê thiết kế chuyên nghiệp, còn "chữa cháy" thì nên chọn nguyên tắc an toàn: đo trước khi mua (chứ không mua rồi mới ... đo), đồng màu, cùng chất liệu trong một không gian với nhau càng nhiều càng tốt và mua ít một, mua đúng cái mình cần trước.

10. "Ước gì em đã không lỡ lời":

Đôi khi việc xây cất ngôi nhà đi đến kết thúc ... không có hậu, đã có những phiền muộn do không thỏa mãn nhà thầu, người thiết kế. Thường chủ nhân lúng túng khi phải giải quyết một mình những chi tiết kỹ thuật và thẩm mỹ trong ngôi nhà.

Do vậy, sau khi nhận nhà, hãy yêu cầu nhà thầu, người thiết kế lưu lại những mã số gạch ốp lát, mã số sơn, bản vẽ hoàn công điện nước và hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, địa chỉ nhà cung cấp, cam kết bảo hành ... để khi hết bảo hành, chỉ còn lại ta với ta, ngôi nhà vẫn được chăm sóc tốt như ban đầu.

Vậy ta cần phải thực tế ngay từ khi đi đến một nhiệm vụ thiết kế, nhằm tránh phải chịu những hậu quả khi vận hành ngôi nhà trong vài thập niên. Hơn nữa, chủ đầu tư cần xây dựng tốt mối quan hệ với người tư vấn và nhà thầu để giúp duy trì chất lượng và thẩm mỹ ngôi nhà. Ngôi nhà như một cơ thể sống. Nếu xã hội có "bác sỹ gia đình" thì cũng nên có "kiến trúc sư nhà" để giúp tư vấn cho những năm sau này của ngôi nhà.

Xây đã khó, ở lại càng khó hơn.

(Theo báo KT&ĐS)

Việt Nam vô địch, anh chọn cả bóng đá và em!


Phút thứ 93, vào cái thời khắc đỉnh điểm và có ý nghĩa quyết định ấy... Tất cả chúng anh lao lên, hét như điên, sướng phát cuồng. Cả khối tinh thần của chúng anh dâng lên như vũ bão.

Em không biết gì về bóng đá. Không phân biệt nổi đâu là tiền vệ, đâu là hậu vệ. Cũng chẳng rành tí gì về các thế trận sân cỏ. Với em, bóng đá như một niềm đam mê xa lạ.

Anh thì khác.

Anh xoay vần đủ kiểu cốt chỉ để kiếm đôi cặp vé vào trận, bất kể bằng giá nào. Mà nếu không được, anh sẵn sàng chạy quanh thành phố, cố tìm cho bằng được một chỗ anh và các bạn có thể đến để tụ tập, để hét hò.

Nhà hàng đông chật cứng người. Chỉ có anh và những người cũng say bóng y như anh, cũng cảm thấy nỗi cuồng nhiệt với sân cỏ tựa hồ như nếu thiếu nó, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Em biết không!

Chúng anh không thể ngồi yên một chỗ. Không thể như em, đứng ngẩn người trước một hàng hoa đẹp, loay hoay lựa chọn tỉ mẩn từng bông.

Chúng anh, không thể rì rầm hay nói vào tai nhau rất khẽ mỗi khi ai đó đá hụt.

Chúng anh, không thể nào từ tốn hay mỉm cười rất thẹn như khi em vừa thoáng làm cháy nồi cá kho.

Chúng anh, cần phải hét lên, thật to, thật mạnh, thật cuồng: Cố lên, Việt Nam! Ôi giồi ôi! Thế này thì đá cái nước mẹ gì…

Xin lỗi em, anh nhỡ mồm!

Bắt đầu từ những giây phút đầu tiên của trận đấu, anh đã như con thoi chạy quanh các bàn, ghé tai từng người, uống bia với từng fan, và hồ hởi ghi tỉ số, đoán kết quả. Và khi thế trận dâng lên cao, cả sân bóng ào ạt chạy về một phía, muôn người theo nhau đổ mắt và dồn tâm chỉ về một trái bóng, anh cảm thấy như toàn bộ sức mạnh của anh đang cuốn theo. Cả linh hồn, lý trí và sự say mê của anh dồn vào đó.

Trái bóng tròn tròn, không phải là một người đẹp có đôi tay thuôn mềm như búp sen, không phải là cô gái có nụ cười tươi xinh như làn nắng, không phải là em yêu nhõng nhẽo mỗi khi anh rầy… nhưng đã khiến anh mê mẩn không gì diễn tả nổi.

“Phút thứ 6, Thonglao sút phạt không thành công. Phút thứ 10, Việt Nam đáp trả, bằng pha phối hợp nhanh và kỹ thuật bên cánh trái, nhưng kết thúc với cú sút vọt xà của Việt Cường. Phút 14, Suchao đánh đầu vọt xà sau quả phạt góc từ cánh phải sang. Phút thứ 17, hậu vệ Việt Nam để mất bóng nguy hiểm trong khu cấm địa, nhưng trung vệ Như Thành kịp can thiệp khi tiền đạo Dangda nhận bóng định dứt điểm”. Phút thứ…

Từng giây, từng phút ấy trôi qua anh hồi hộp gần như đứng tim!

Anh phải đập nồi niêu. Anh phải phá xoong chảo. Anh phải gõ những cái chai vào nhau. Anh phải tạo ra một chuỗi những âm thật là náo loạn. Anh phải vẫy cờ. Anh phải chạy quanh nhà hàng hay sân bóng…

Đừng chê anh trẻ con. Đừng trách anh quá khích!

Và không gì ngăn cản nổi chúng anh cùng hát vang lên những khúc ca khải hoàn. Giây phút ấy chưa xa! Anh tin là như thế!

Giá như em có mặt vào lúc đó, em sẽ thấy nó tuyệt vời đến mức nào!

Hãy cùng anh dõi mắt theo mỗi bước chân những người xa lạ nay thoắt đã trở nên thân quen. Hãy cùng anh hò hét và cổ vũ cho tinh thần và ý chí của đất nước chúng ta.

Và, hãy ở bên anh khi chúng ta ăn mừng chiến thắng! Em biết không!

Phút thứ 93, vào cái thời khắc đỉnh điểm và có ý nghĩa quyết định ấy “Công Vinh bị cản ngã khi từ cánh trái di chuyển vào trong. Việt Nam được hưởng quả đá phạt hàng rào gần khu cấm địa, chếch bên sườn trái theo hướng tấn công. Tiền vệ vào thay người Minh Phương sút phạt hiểm, treo bóng vào khu cấm địa. Công Vinh chạy nhanh tới vị trí thuận lợi, bật cao đánh đầu ngược về góc cao phía xa. Một cú dứt điểm tuyệt vời, khiến cầu trường Mỹ Đình như vỡ tung trong niềm hạnh phúc.”

Tất cả chúng anh lao lên, hét như điên, sướng phát cuồng. Cả khối tinh thần của chúng anh dâng lên như vũ bão. Lâu lắm rồi, suốt từ thời Tiger Cup 98, Hà Nội mới có một niềm vui sướng dâng trào đến thế!

Hãy cho anh ôm chặt em trong tay, hãy để anh cầm tay em chạy quanh đường phố, hãy cho anh được nhìn thấy nụ cười tươi trẻ, thấy ánh mắt em sáng như muôn vì sao trong đêm tối… Giây phút này…

Hãy cùng anh đi ra đường. Hãy cùng anh hòa vào niềm sung sướng tột độ chảy từ những quận ngoại ô, tràn vào khu phố trung tâm rồi tỏa đi muôn ngả. Hãy cùng anh bắt tay tất cả những bạn bè đang ùa ra trên phố. Hãy cùng anh hô vang khẩu hiệu chiến thắng, chiến thắng. Hãy cùng anh nối dài những niềm đam mê vô tận, tình yêu bóng đá và niềm tự hào dân tộc.

Em có thấy không?

Trên những con phố ngày ngày chúng ta vẫn đi qua, giờ đây là cả rừng người đang đỏ rực cờ đỏ sao vàng. Trong cái khói xăng khét lẹt, tiếng hú còi đinh tai nhức óc, những tiếng xe va vào nhau loảng xoảng, không một ai cáu gắt, tức giận hay chửi bới. Ai cũng thật thân yêu và thương mến! Mình cười hòa với nhau, nha em!

Em có thấy không? Trên những ô cửa của những ngôi nhà trên phố, những cụ già có khi chỉ đủ sức chống gậy vẫn vẫy cờ điên loạn. Những bà bán hàng bỗng nhiên trở nên hào phóng, tung áo cho thanh niên đi đường như một cử chỉ gia lộc bất ngờ.

Em có thấy không? Chưa bao giờ những lỗi lớn bỗng trở nên bé con con, những lỗi con con trở thành không còn. Tất cả, nhờ bóng đá!

Anh đã từng đi trên rất nhiều con phố, hiếm thấy có ai đội mũ bảo hiểm hay đi đúng lề đường quy định, hay đèo đúng số người. Anh cũng thấy rất nhiều xe ô tô chở người trên nóc, thấy trai gái nhoài người ra khỏi cửa xe. Anh thấy bao nhiêu chiếc ôtô tải, những cái xấu xí như công nông chật cứng thanh niên đang đứng vẫy cờ và hòa vào dòng người diễu hành. Anh thấy cả những chú công nhân quần áo bảo hộ lấm lem thay cờ thì dăng vải bạt để vẫy, những chị bán hạt dẻ hua đôi tay phấn khích trong gió lạnh. Và anh thấy…

Em đang hoan hỉ rất là nhiều!

Anh không thể nói thầm với em được nữa, anh đang hét đây. Bóng đá và em. Anh chọn… cả hai!

(Chusi)

Danh ngôn về thái độ

Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống là điều kỳ diệu và đẹp đẽ - Pautopxki

Một nửa sức khỏe của con người là trong tâm lý - S. Aleksievist

Có niềm tin mà không hành động, niềm tin đó có thành khẩn hay không? - A.Maurois

Ngu dốt không đáng thẹn bằng thiếu ý chí học hỏi
B.Franklin

Nếu bạn muốn đi qua cuộc đời không phiền toái thì chẳng nên bỏ đá vào túi mà đeo
V. Shemtchisnikov.

Lòng tin không phải là khởi đầu mà là kết quả của mọi nhận thức
W. Goethe.

Thế giới là 10%do mình làm ra và 90% do mình nhìn nhận
A. Berlin.

Thiên đường ở chính trong ta. Địa ngục cũng do lòng ta mà có .
Chúa Jésus

Tôi thường hối tiếc vì mình đã mở mồm chứ không bao giờ…vì mình đã im lặng.
Philippe de Commynes

Đừng bao giờ đóng sầm cửa lại; có thể bạn muốn quay trở lại vào đấy.

Nếu “điều đó không thể làm được” đã làm nản lòng các nhà lãnh đạo thế giới thì hẳn chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ đồ đá.

Bạn sẽ không bao giờ trở thành nhà tư tưởng nếu bạn không biết cười.

Hãy can đảm mà sống bởi vì ai cũng phải chết một lần.

Khiêm tốn thật sự không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà chính là biết nhận những chân giá trị ấy.
J.C.Hare

Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều.
Karl Marx

Đừng bao giờ khiêm tốn với kẻ kiêu căng, cũng đừng bao giờ kiêu căng với người khiêm tốn
Jeffecson

Khi bạn cảm thấy quá già không làm được một việc gì đó – hãy làm ngay việc đó

Tôi còn những lời hứa phải giữ, những dặm đường phải đi trước khi ngủ

Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi . Mà khó vì lòng người ngại núi e sông
Nguyễn Thái Học

Không có gì hèn cho bằng khi ta nghĩ bạo mà không dám làm.
Jean Ronstard

Tất cả mọi người đều ao ước có được nhiều hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn dời với cặp mắt của đứa trẻ thơ, cái gì cũng mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên cả.
Aristot

Sáng nào cũng vậy, khi tôi thức giấc tôi đều tin chắc sắp có sự việc thích thú xảy ra và không bao giờ tôi bị thất vọng
Elsa Maxwell

Biết bao kẻ đọc sách và học hỏi, không phải để tìm ra chân lý mà là để gia tăng những gì mình đã biết.
Julien Green

Người quân tử lúc chưa được thì vui với ý muốn, lúc được rồi thì vui với kết quả, cho nên lúc nào cũng vui.

Kẻ tiểu nhân lúc chưa được thì lo không được, lúc được rồi thì lại sợ mất nên lúc nào cũng lo sợ.
Khổng Tử

Những kẻ trí tuệ tầm thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ.
La Rochefoucould

Nếu ai nói xấu bạn mà nói đúng thì hãy sửa mình đi. Nếu họ nói bậy thì bạn hãy cười thôi.
Epictete

Ai không biết nghe, tất không biết nói chuyện.
Giarardin

Phải biết mở cửa lòng mình trước mới hy vọng mở được lòng người khác.
Pasquier Quesnel

Cái nhìn vui vẻ biến một bữa ăn thành một bữa tiệc.
Herbert

Bao giờ cũng nên có nhiều trí tuệ hơn lòng tự ái.
Epiquya

Luôn nghĩ rằng tất cả những việc ta thích làm đều không có vẻ nặng nhọc.
Jeffecson

Sở thích mạnh nhất của nhân loại là muốn được người khác cho mình là người quan trọng
John Deway

Im lặng và khiêm tốn là đặc tính rất quý trong cuộc đàm thoại
Monteigne

Bạn nghi ngờ ai tùy bạn, nhưng đừng nghi ngờ bản thân mình
Plutarch

Điều oái oăm là, nếu bạn không muốn liều mất cái gì thì bạn còn mất nhiều hơn
Erica Jong

Không một người nào đã từng cười hết mình và cười xả láng lại đồng thời là người xấu xa.
Thomas Carlyle

Đừng tự hạ giá bạn. Tất cả những gì bạn có đã làm nên nhân cách của bạn
Janis Joplin

Không có điều gì trên đời khiến chúng ta phải sợ. Chỉ có những điều chúng ta cần phải hiểu
Marie Curie

Cố chấp và bảo thủ là bằng chứng chắc chắn nhất của sự ngu si.
J.b. Bactông

Bạn có thể thất vọng nếu bạn tin quá nhiều nhưng bạn có thể sống trong sự giày vò nếu bạn tin không đủ
Alexander Smith

Người nào đó không dám làm gì hết, đừng hy vọng gì cả
Schillet

Biết xấu hổ trước mọi người là một cảm xúc tốt. Nhưng tốt hơn hết là biết xấu hổ trước chính bản thân mình
Lep-tônxtôi

Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu si làm người ta kiêu ngạo
Ngạn ngữ Anh

Người nghiêm túc không bao giờ lấy chiếc lá nhỏ để che đậy sự thật trần trụi
G.L.Boan

Chỉ có những thằng ngốc và người chết là chẳng bao giờ thay đổi ý kiến.
S.Saplin

Hay nóng giận nản lòng là triệu chứng của một tâm hồn yếu đuối.
Điđơrô

Không tự tin là nguyên nhân gây ra tất cả thất bại
Bôuvi

Cái bệnh nặng nhất của đời sống, ấy là sự buồn nản
A.Devigni

(Sưu tầm)

"Nâng cấp” thái độ

Nếu muốn xây dựng một thái độ tích cực, hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận: duy trì thái độ tích cực là một sự lựa chọn hữu hiệu. Nhân tố con người và sự kiện trong cuộc sống của bạn có thể ảnh hưởng tới cảm giác của bạn, nhưng quan trọng là bạn phải quyết định cách suy nghĩ của bản thân và “tương tác” với người khác. Suy nghĩ lạc quan sẽ tác động tích cực tới sự phát triển của cá nhân bạn và giúp hình thành lên một môi trường tương hỗ đối cho những nỗ lực kinh doanh của bạn.

1. Tin tưởng vào cách hành động của bản thân

Khi bạn đương đầu với những thử thách bằng một thái độ tích cực, bạn có thể đạt được những kết quả mà bản thân bạn chưa bao giờ tưởng tượng ra. Chắc chắn, những suy nghĩ tiêu cực sẽ xâm chiếm suy nghĩ bạn và sẽ làm bạn rối trí. Hãy dừng suy nghĩ trong giây lát và tự nhắc bản thân bạn rằng những cảm xúc nản trí chỉ mang tính chất tạm thời. Hãy nói với bản thân rằng bạn có thể đẩy lùi bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào sang một bên và lấy lại sự lạc quan.

2. Hành động để tạo dựng tương lai

Trong vai trò người làm chủ doanh nghiệp, bạn sẽ chịu trách nhiệm chủ yếu với thái độ cũng như hành động của bạn. Hãy tập trung vào một việc bạn có thể làm để tiến bước về phía trước hơn là lãng phí vào việc than phiền về nguồn lực có giá trị. Nếu như làm được điều này, bạn sẽ tăng cường được khả năng giải quyết vấn đề và tìm ra được những giải pháp khả thi. Hãy nhớ rằng nếu bạn không hành động theo danh sách công việc phải làm trong 2 ngày, có thể bạn sẽ chẳng hoàn thành được bất cứ công việc nào có giá trị.

3. Không nên quá chì trích bản thân

Hãy nhớ những điều cần nhớ và bỏ qua những gì đáng quên. Hãy ghi nhớ những từ ngữ và điều tích cực giúp bạn tiếp thêm sinh lực, sử dụng chúng để nhanh chóng thay đổi thái độ khi cần thiết. Ví như: “Tôi có thể làm việc đó” là câu nói rất hữu ích và có giá trị khuyến khích cao.

4. Tôn trọng những kết quả, đánh giá tích cực

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy tự nhắn nhủ với bản thân rằng bạn sẽ đạt được những kết quả lạc quan. Đừng xem nhẹ bất kỳ một cơ hội nào. Hãy rà soát lại các cuộc gọi chẳng hạn, có thể ban đầu tưởng chừng chúng không có gì triển vọng, nhưng biết đâu đấy, bạn có thể tìm ra những ý tưởng lớn lao kế tiếp từ chúng. Nắm bắt và tìm hiểu kỹ thời cơ để mở ra những cánh cửa mới hoặc trợ giúp nhân viên gặt hái những thành công trong công việc. Quan trọng là bạn cần biết rằng việc kinh doanh của bạn từ đó sẽ tiến triển tốt lên.

5. Môi trường xung quanh góp phần tăng thái độ tích cực của bạn

Môi trường tự nhiên quanh bạn đóng vai trò rất lớn trong việc thay đổi thái độ của bạn. Nhà doanh nghiệp có lợi thế là họ có thể thay đổi thường xuyên không gian văn phòng mà không phải bận tâm nhiều về phản ứng của nhân viên. Vị trí gần cửa sổ sẽ giúp bạn thư giãn, bày trí những bức tranh của bạn bè, gia đình hay con vật yêu thích sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn. Điều cơ bản là những quang cảnh xung quanh này sẽ giúp bạn có một thái độ, cảm giác lạc quan.

Hãy giải phóng bản thân thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực do chính bạn áp đặt bằng suy nghĩ: bạn sẽ có một ngày tràn ngập niềm vui khi khởi đầu ngày mới. Hãy nuôi dưỡng suy nghĩ đó thông qua việc tự tạo ra cho bản thân những khoảnh khắc vui vẻ, ngay cả khi có thể nó chỉ kéo dài vài giây hay vài phút. Khi bạn có thể giải toả được căng thẳng mà bản thân đang cố phải che giấu hay kiềm chế, thì chính môi trường xung quanh bạn sẽ là “trợ thủ đắc lực” cho bạn đấy.
Chúc bạn thành công.

(Theo - Lãnh đạo)

5 kỹ năng cần biết nơi công sở


Bạn cảm thấy hình như các đồng nghiệp khác của mình thăng tiến nhanh hơn hay dành được nhiều quan tâm hơn? Vậy thì đã đến lúc cần tìm hiểu xem họ biết những điều gì bạn chưa biết.

Đúng là trong môi trường việc làm hiện nay, bằng cấp và chứng chỉ là rất cần thiết song có một số những kỹ năng mềm quan trọng mà để thành công trong môi trường công sở bạn không thể không biết tới.
1. Không chuyện gẫu nơi công sở

Tán gẫu về những cậu bé, cô bé tham gia chương trình Việt Nam Idol sẽ là một đề tài thú vị vô hại song sẽ là một việc hoàn toàn khác nếu bạn xì xào với nhau về mối quan hệ của sếp với một cô nhân viên mới nào đó. Tracy Miracle, nhà báo cao cấp của Candlewick Press cho rằng: “Buôn dưa lê không những là cách thể hiện bản thân thiếu chuyên nghiệp nhất mà thêm nữa, bạn sẽ không bao giờ biết được ai sẽ là người nghe câu chuyện của bạn. Mối quan hệ trong công sở rất hẹp và thiện chí của người khác dành cho bạn cũng có thể thay đổi rất mau”.

Để tránh những cuộc trò chuyện gẫu như thế hiệu quả, Cindy Pomeroy, giám đốc quản trị của hãng Ernst & Young khuyên bạn nên biết cách “lái” cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác: “Tham gia vào những cuộc tán gẫu chính là lộ trình nhanh nhất khiến bạn trở thành người không thể tin tưởng khi ai đó muốn trao đổi những thông tin bí mật”.

2. Biết cách làm nổi bật mình trong công việc

Ngay cả những thành tích nhỏ nhất cũng sẽ được tính đến, song người lãnh đạo sẽ không thể biết hết khả năng của bạn trừ khi bạn thể hiện chúng thành lời. Carrie Addington, chuyên gia cao cấp của Addinton Writers ủng hộ việc tự quảng bá bản thân mà không gây điều gì ầm ĩ thái quá: “Bạn có thể gửi cho sếp của mình những ý tưởng qua email hoặc gặp riêng trao đổi, hãy nhớ trong khi thu hút sự chú ý của sếp với những thành công của mình, bạn đừng quên tôn vinh các đóng góp của đồng nghiệp khác”.

Để “toả sáng” hơn nữa sau giờ làm việc, Steve Fratantaro, chuyên gia phân tích hệ thống cao cấp của Đại học New York cho rằng nên tận dụng tính năng thông báo thời gian gửi đi của email. Bạn có thể đề xuất những giải pháp hoặc yêu cầu được gặp sếp qua một email được gửi từ nhà: “Sếp của bạn sẽ chẳng cần biết rằng có thể ý tưởng đó bạn đã nghĩ ra từ 6 giờ trước đó khi bạn đang làm việc mà ông ấy chỉ quan tâm tới chuyện, bạn đã gửi bức email đó từ nhà, trong thời gian nghỉ ngơi của bạn”.

3. Dũng cảm nhận lỗi khi mắc sai lầm

Trót làm đổ nước ngọt lên ghế ở phòng khách? Làm hỏng bản báo cáo công việc? Quên không tắt máy lạnh sau khi về cuối cùng trong ngày làm việc hôm trước?.v.v. Trong trường hợp nào bạn cũng muốn được nói lời thanh minh cho những sơ suất của mình nhưng Christina Donaghy, chuyên gia dự án IT của United Way lại rút ra được kinh nghiệm quý báu từ những điều đó là, tốt nhất bạn hãy dũng cảm thừa nhận những lỗi lầm không thể xoá bỏ được.

“Những lúc đó tôi cảm thấy thật bất công và ghê tởm song tôi hiểu mọi việc với mình sẽ còn tồi tệh ơn nếu sếp của tôi sẽ có phản ứng dữ dội với những sai lầm đó. Điều này thể hiện mức độ trưởng thành trong công việc của bạn và khắc nghiệt hơn khi cách duy nhất để phát triển kỹ năng này chính là bạn hãy mắc một lỗi lầm đầu tiên”. Dũng cảm thừa nhận sai lầm, bạn sẽ được tôn trọn và giảm thiểu stress trong môi trường công sở.

4. Cẩn trọng trong các mối quan hệ giao tế cùng đồng nghiệp ngoài giờ làm

Khi làm việc theo giờ hành chính, phần lớn thời gian của bạn dành cho công ty và những người đồng nghiệp ở đó. Do vậy, việc bạn gây dựng tình bạn với những người có chung quan điểm là điều dễ hiểu, cũng rất tự nhiên thôi khi đôi lúc bạn muốn đi chơi cùng với những người bạn đó ngoài giờ làm việc: “Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là thăng tiến, trong suy nghĩ bạn cần phải vạch sẵn một ranh giới thân mật giữa mình và những người có thể sau này bạn sẽ là cấp trên của họ”.

Ngay cả khi sếp mời bạn tham gia một sự kiện vui vẻ nào đó thì cũng không nên quá cợt nhả: “Các hành vi ngoài công sở của bạn cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới những mối quan hệ của bạn tại công ty”, vì vậy bạn cần thật cẩn trọng khi hành xử.

5. Đừng đánh giá thấp những điều nhỏ nhặt

Có thể bạn cho rằng những công việc vặt vãnh chỉ thích hợp với những sinh viên thực tập song nếu chỉ vì bạn mong muốn trở thành một nhà quản lý thì cũng không có nghĩa bạn sẽ “thoát ly” triệt để với những thao thác đơn giản kiểu như cắt, dán hay pha một tách cà phê: “Đừng bao giờ phàn nàn vì phải làm những công việc văn phòng mà bạn cho rằng chúng dưới tầm của bạn, ngay cả các tổng giám đốc cấp cao đôi khi cũng phải tự phô tô lấy tài liệu cho mình đấy thôi”.

(Vietnambranding - Theo DĐDN)

5 kiểu đồng nghiệp “đáng gờm” nơi công sở


1. Người làm việc nhanh

Người đồng nghiệp này luôn giành chiến thắng trong mọi “cuộc đua”. Ví dụ, khi sếp đề nghị các nhân viên đưa ra ý kiến của họ về một dự án mới nhận thì người ấy luôn là người đầu tiên phát biểu trong khi mọi người còn chưa nhận biết rõ được tình hình. Với những người này thì tốc độ hoàn thành công việc được đưa lên hàng đầu thay cho chất lượng.

Khi cùng nhóm với họ, bạn nên dành thời gian để xem lại những công việc mà họ đã làm. Nếu có điểm gì mà chưa tốt nên cùng nhau thảo luận và đưa ra giải pháp khác để đảm bảo công việc không còn sai sót nữa.

2. Người thích “lẻ loi”

Đây là kiểu đồng nghiệp kín đáo và đề phòng với tất cả mọi người. Họ lo lắng rằng những ý tưởng tuyệt vời của họ sẽ bị ai đó lấy cắp nếu để lộ ra vì thế họ có xu hướng làm việc một mình từ đầu đến cuối.

Khi phải làm việc cùng người này, bạn nên để cho cô/anh ấy có không gian riêng và có niềm tin ở bạn. Bạn có thể liên lạc để biết tiến triển công việc qua email hay khi bạn đi ngang qua nơi làm việc của họ. Hãy nói với họ rằng cứ gọi bạn bất cứ lúc nào khi họ cần sự giúp đỡ.

3. Người cho mình là ngôi sao

Không có thách thức nào là khó khăn với kiểu đồng nghiệp này bởi vì họ có mối quan hệ ngầm với nhiều nhân viên cấp cao trong công ty.

Khi làm việc cùng với đồng nghiệp này hãy để cô/anh ấy được là người quản lý nhóm hay có thể cho họ là người đại diện của nhóm phát biểu kế hoạch dự án trong các cuộc họp. Nhờ vậy nhóm bạn sẽ gây được sự chú ý của sếp và thậm chí của cả những nhân vật cao hơn. Thành công người đó đem lại sẽ là thành công của cả nhóm.

4. Người nghiện việc

Nhân viên này lúc nào cũng xin thêm việc về làm một phần để có được hình ảnh tốt trong mắt sếp và một phần bởi vì họ thích được làm việc. Chú ý quan sát bạn có thể học hỏi nhiều từ người đồng nghiệp này như các kỹ năng làm việc, các kiến thức mới cập nhật,…

Nhưng khi phải làm việc chung nhóm với người này thì bạn nên chia đều công việc thay vì một trong hai người làm gần hết. Nghiện việc chỉ khiến bạn bị căng thẳng và kết quả công việc thì không chắc đã tốt.

5. Người phá hoại

Đây là người có thể làm mọi thứ miễn là họ được dẫn đầu. Dù họ là người có tài hay không thì họ luôn muốn trở thành số 1 và ghi điểm với sếp. Vì thế hãy luôn giữ khoảng cách và đề phòng với kiểu đồng nghiệp này khi bạn cùng làm việc chung.

Nếu bạn bị đồng nghiệp này phá hoại cho dù bạn không làm gì sai, hãy thu thập bằng chứng và báo với người quản lý của bạn.

(Theo - Dân Trí)

5 kiểu người thường gặp trong bữa tiệc công ty


Trong bữa tiệc cuối năm ở công ty, bạn có thể gặp phải một số kiểu nhân vật sau đây. Đừng chỉ vui chơi không, hãy chớp lấy cơ hội chuyện trò và gây ấn tượng với họ.

1. Vị giám đốc điều hành (CEO) bận rộn

Nếu bạn làm việc trong một công ty lớn, bạn có thể hiếm khi được gặp CEO của công ty mình, và tất nhiên sẽ khó có cơ hội được trò chuyện với họ. Nhưng bữa tiệc cuối năm này có thể đem lại cho bạn cơ hội hiếm hoi đó. Hãy chuẩn bị sẵn một vài câu chuyện để nói trước khi bạn tiến đến làm quen với họ. Hãy giới thiệu bản thân, tạo chút ấn tượng và khiến cuộc nói chuyện trở nên thú vị. Ví dụ, bạn có thể nói vài chuyện phiếm như kế hoạch nghỉ lễ năm nay. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng một người đứng ở vị trí như vậy thì đây cũng là dịp cho họ được trò chuyện và chào hỏi qua với hầu hết nhân viên vì vậy đừng lấy quá nhiều thời gian của họ và nói quá nhiều. Hãy chỉ như đi ngang qua và nói ngắn gọn.

2. Người thích nói chuyện

Đây có thể được gọi là người nói nhiều bởi vì khó ai có thể “giành” lời được từ cô/anh ấy. Từ những câu chuyện về việc cô/anh ấy bị dị ứng với hải sản, hay kế hoạch đi nghỉ của họ năm nay sẽ khác năm trước ra sao và bạn sẽ thực sự thấy tuyệt vọng khi cố tìm cách “rút lui”.

Gặp trường hợp này cách tốt nhất để bạn có thể cáo lỗi một cách lịch sự và vui vẻ đó là tìm thêm người tham gia vào cuộc nói chuyện của hai người. Sau khi bạn đã tìm kiếm được vài đồng minh thì bạn có thể xin thứ lỗi mọi người bởi bạn mới thấy có vài người bạn quen biết và cần ra đó.

3. Người đơn độc

Bạn thấy có ai đó bạn chưa từng gặp, đang đứng đơn độc tại một bữa tiệc vui vẻ và sôi động. Bạn tiến đến và tự giới thiệu bản thân sau đó đề nghị được dẫn cô/anh ấy đi quanh bữa tiệc và gặp gỡ những người quen của bạn.

Những người này có thể là nhân viên mới hoặc là khách hàng thân thiết của công ty được mời đến, hành động lịch sự và tốt bụng này của bạn chắc chắn sẽ gây được ấn tượng tốt đẹp với họ. Nếu là nhân viên mới, người đó có thể giúp bạn nhiều trong công việc sau này, nếu là khách hàng thì bạn vừa mới giữ được cho công ty khách hàng này ít nhất là trong năm tới.

4. Đối thủ của bạn

Môi trường công sở luôn tạo ra các các đối thủ cạnh tranh nhau và trong bữa tiệc này khi gặp người đó bạn cần làm gì? Bạn sẽ cố tránh anh/cô ta bằng mọi giá hay sẽ tiến đến người đó với một cốc rượu mời. Cách thứ hai luôn là hành động được coi trọng và có hiệu quả hơn cả. Có thể nỗ lực đó của bạn không thay đổi được tình hình sau này nhưng tối thiểu cũng làm bạn cảm thấy thoải mái hơn trong bữa tiệc. Không gì bằng quẳng đi bực tức khi năm mới sắp tới.

5. “Nửa kia” của đồng nghiệp hay sếp

Nếu bữa tiệc này người tham dự có thể mang theo người đi kèm thì bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để gặp gỡ những người lạ và lại không làm cùng ngành với bạn. Với những người này bạn nên chọn những chủ để không liên quan gì tới công việc bởi điều đó sẽ khiến họ cảm thấy lẻ loi, thay vào đó nên nói về sở thích của mọi người, về cuộc sống độc thân hay đã có gia đình,… Nếu bạn tạo được ấn tượng tốt với “nửa kia” của các đồng nghiệp và sếp cũng chính là bạn đã tạo được ấn tượng tốt với đồng nghiệp và sếp đó.

(Theo - Dược phẩm y tế)

Đàn ông thật sự muốn gì?


Cũng như nữ giới, khi tìm hiểu bạn gái, cánh mày râu luôn muốn tìm kiếm ở cô gái mình yêu có những phẩm chất phù hợp với tính cách và mong muốn của mình. Dưới đây là những gì các chàng thật sự muốn.

1, Sự ủng hộ

Chàng sẽ rất cảm kích nếu bạn quan tâm và thông cảm với chàng mọi việc trong cuộc sống. Hãy để chàng biết rằng bạn luôn ở bên cạnh và ủng hộ chàng hết mình.

2, Sự ngưỡng mộ

Ai cũng thích được ngưỡng mộ. Sự khâm phục kèm theo lời khen ngợi những thành tích mà chàng có được sẽ làm chàng hưng phấn và khích lệ chàng rất nhiều.

3, Sự hài hước

Đây là một trong những tính cách mà đàn ông luôn thích ở phụ nữ. Bởi nó luôn đem lại niềm vui và tiếng cười trong cuộc sống. Nó cũng là tác nhân giúp khoảng cách giữa hai bạn gần nhau hơn.

4, Giao du, kết bạn

Không phải chỉ vì bạn và chàng là một, là của nhau rồi thì các bạn phải sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Chàng muốn được giao du, hòa mình với xã hội cũng như bạn bè và gia đình. Và người phụ nữ của mình cũng vậy - cởi mở, dễ gần gũi và hòa đồng với mọi người.

5, Sự tự do

Mặc dù chàng yêu bạn, luôn muốn ở bên cạnh bạn nhưng chàng cũng có những mối quan hệ, những sở thích đam mê khác trong cuộc sống. Do đó, chàng không thể lúc nào cũng dính chặt bên bạn cũng như không muốn bị ràng buộc. Hãy để chàng được tự do, thoải mái thực hiện ước muốn của mình. Những gì làm chàng vui cũng sẽ làm bạn vui theo thôi.

(Theo Tìm nhanh.com)

Những điều tối kỵ trong đối thoại vợ chồng


Vợ chồng đối thoại vừa để hiểu, thông cảm với nhau, vừa là cách giải quyết mâu thuẫn. Đối thoại là tốt và cần thiết, nhưng tuyệt đối tránh những điều sau đây:

Không độc thoại

Trong đời sống hôn nhân, có vô số cuộc đối thoại biến thành độc thoại. Đó là điều rất tồi tệ và không mang lại kết quả gì, ngoài việc làm cho tình cảm vợ chồng xấu thêm. Khi thấy phía bên kia im lặng mà bạn còn lải nhải tức là bạn đang độc thoại. Khi phía bên kia im lặng nghĩa là họ không muốn đối thoại nữa, vì thế bạn cũng nên im ngay, đừng nghĩ rằng mình đang áp đảo đối phương và thừa thắng xông lên.

Nghệ thuật đối thoại không phải là nói nhiều mà là nghe nhiều. Cần phải tỉnh táo để nghe phía bên kia nói gì mới có thể làm rõ được vấn đề và đưa cuộc đối thoại tới thành công. Nếu bạn độc thoại nghĩa là bạn không nghe được gì cả, vậy còn tốn hơi sức để lải nhải làm gì.

Không to tiếng

Lời nói không bao giờ đơn thuần chỉ là lời nói, nó có thể là sự căm phẫn, sự trìu mến yêu thương, có thể là tiếng thét, cũng có thể là tiếng hát. Tính chất và hiệu quả của lời nói được quyết định rất nhiều từ âm lượng.

Trong đàm phán ngoại giao, trong thương thảo giữa các nhà doanh nghiệp, khi tỏ tình với người yêu... người ta nói nhỏ và dịu dàng. Người khôn ngoan và lịch lãm luôn biết nói vừa đủ nghe trong tất cả mọi tình huống.

Trong đối thoại vợ chồng, nếu muốn thành công bạn càng cần phải nói nhỏ. Nếu bạn hét lên thì trước hết bạn sẽ tự giới thiệu mình là người vô văn hoá. Âm lượng càng tăng cao càng khiến bạn thiếu bình tĩnh và biến cuộc đối thoại thành khẩu chiến để rồi sau đó hai vợ chồng phải tránh nhìn mặt nhau nhiều ngày. To tiếng là chất kích nổ nhạy nhất trong đối thoại vợ chồng. Vì thế, trước khi đối thoại bạn cần phải tự nhắc mình nhiều lần rằng không to tiếng.

Không vung tay, chỉ vào mặt nhau

Một cái cười xoà trong đối thoại vợ chồng nhiều khi còn quan trọng hơn trăm nghìn lời nói, vì nó có tác dụng tháo kíp nổ. Cử chỉ, hành vi trong đối thoại thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người. Hơn thế, cử chỉ còn là ngôn ngữ không lời, có sức biểu đạt nhiều hơn lời nói.

Những động tác chém gió liên tục chứng tỏ bạn đang mất bình tĩnh. Nếu ngón tay trỏ của bạn chỉ vào mặt người đối thoại thì chứng tỏ bạn khinh thường phía bên kia và đương nhiên ngay lập tức bạn cũng không được tôn trọng nữa.

Nếu cử chỉ của bạn lúc này được ghi hình cẩn thận để khi bình tĩnh xem lại bạn sẽ thấy mình thật lố bịch và những lần sau chắc chắn bạn sẽ biết giấu hai bàn tay mình vào túi quần. Các nhà báo thường có máy ghi âm tốt và máy ảnh của họ cũng có thể ghi hình, song không ai ghi lại những cuộc đối thoại đáng nhớ ấy cả, thật đáng tiếc.

(Theo - Gia đình & Xã hội)

22 tháng 1, 2009

Thuật nghữ Internet

Bản tóm tắt này không có sẵn. Vui lòng nhấp vào đây để xem bài đăng.