LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

23 tháng 1, 2009

Từ "Thượng Đế" đến "Osin"


Khi nhà đang xây, chủ nhà là khách hàng - "Thượng đế" của Kiến trúc sư. Khi nhà xây xong, dọn về ở, chủ nhân của ngôi nhà đã từ một người đặt hàng, nay trở thành người thụ hưởng. Và từ đó trở đi, ngôi nhà không còn chịu sự tác động của "người ngoài" là ông KTS nữa mà là của chính chủ nhà. Và không phải ai cũng có thể tôn tạo cho ngôi nhà của mình đẹp hơn hay chí ít cũng bằng với những ngày đầu "tân gia". Thực tế, chủ nhà rất dễ trở thành "Osin" cho ngôi nhà của mình. Đây là những điều chia sẻ của KTS.Dương Hồng Hiến với Báo KT&ĐS.  

1. Từ "Thượng Đế" đến "Osin":

Khi chia tay với KTS, chủ nhà sẽ đối diện với thực tế là ngôi nhà phải được chăm sóc hàng ngày. Lau căn nhà rộng bốn, năm tầng, chăm sóc sáu bảy cái nhà vệ sinh, giải quyết chuyện nước rỉ, đương đầu với những vết ố thấm dột.

Vì vậy trước khi nhận nhà, đừng vội sung sướng ngắm nghía những cái đã đẹp rồi, hoàn chỉnh rồi, mà phải thử vận hành toàn bộ các hệ thống kỹ thuật điện nước của ngôi nhà. Những vết sơn quên chùi, còn vấy lên đâu đó sẽ bị lãng quên và vĩnh viễn nằm ở những nơi không mong đợi.

2. Sự thêm vào:

Cho dù có được bố trí đồ nội thất hoàn chỉnh thì trong những năm tháng sau đó của ngôi nhà, vẫn có đồ đạc thêm vào. Lúc thì thêm một cái bình bông, khi thì thêm một cái tượng, bữa kia thì thêm một tấm tranh bạn tặng ... Đây chính là một thử thách mới cho chủ nhân.

Có người ý thức khi tìm chỗ thích hợp để đặt nó vào nhưng có người thì không. Vì vậy, nên tham khảo người đã giúp thiết kế ngôi nhà mặc dù đôi khi chính người thiết kế cũng lúng túng. Tuy vậy có người góp ý còn hơn không, nhất là người chuyên môn.

3. Sự tùy tiện:

Bận bịu với công ăn việc làm, chủ nhân đâu còn hơi sức mà nhìn ngắm ngôi nhà. Đôi khi chính người gia nhân là nhân vật xê dịch những đồ đạc trong nhà theo ý muốn để tiện sử dụng. Một cái ghế cao dành cho con nít trong phòng ăn lại nằm vĩnh viễn ở phòng ngủ vì một lần mang lên làm ... thang. Màn cửa lúc thiết kế cùng màu, cùng hoa văn với drap giường nhưng khi thay drap giường đã không quan tâm đến màu sắc màn cửa. Sự tùy tiện đã làm xấu đi ngôi nhà.

4. Sự quen mắt:

Cũng là sự tùy tiện, nhưng điều tệ hại hơn hết là sự quen mắt. Hàng ngày đi qua đi lại cái hòn non bộ, một ngày đẹp trời ta phát hiện ra cái chổi chà nằm gác ngang qua thành hồ rất nhiều tuần lễ mà ta không để ý.

Một cái giẻ lau nằm vắt ngang lan can nhôm kính cường lực trong veo rất nhiều hôm rồi. Đó là sự quen mắt. Nhưng người khách đến thăm nhà bạn, họ sẽ thấy nó. Thỉnh thoảng hãy ngắm lại ngôi nhà bằng cặp mắt người khách lạ.

5. "Đoạn tuyệt" Kiến trúc sư:

Hạnh phúc của người bác sỹ là được gặp lại bệnh nhân khỏe mạnh, KTS cũng sẽ rất vui khi vẫn còn được thăm viếng lại ngôi nhà mình thiết kế. Đừng đoạn tuyệt với KTS dù mọi việc đã xong, bạn sẽ có được rất nhiều góp ý dù rằng ngôi nhà đã được thổi cái hồn sinh hoạt vào bởi chính chủ nhân của nó rồi.

Đôi khi chính KTS cũng sẽ ngạc nhiên với những gì bạn làm và sự đồng điệu vốn có sẽ có lúc được nâng cao hơn một bước nhờ những lần trao đổi về sau.

6. Thay đổi công năng:

Những đứa con lớn lên sẽ ra riêng không còn ở với bố mẹ, ngôi nhà trở nên dư thừa một số phòng. Do thay đổi công ăn việc làm, không còn thói quen tụ tập bạn bè nên bar rượu tại nhà, những không gian ấy nay trở nên vô vị. Có tuổi, leo lầu khó khăn, ngôi vườn sân thượng hoang phế, trở thành nhà kho cho cô giúp việc. Ta sẽ làm gì với chúng?

Tốt nhất hãy nghĩ đến việc này ngay khi còn làm "Thượng đế" nghĩa là lúc còn giao việc cho KTS thiết kế ngôi nhà. Trách cách nghĩ cuộc đời sẽ mãi mãi với mình như thế.

7. Sự lãng quên:

Ta chừa một cái hốc để dành cho một tấm tranh sơn mài nhưng ta chưa có, đành để trống vài ... năm. Ta dành một ngọn đèn tường một hòn non bộ, nhưng mãi mãi sợi dây điện vẫn thò ra đó mà chẳng bao giờ có ngọn đèn cho đến cái ngày đập hòn non bộ.

Sự lãng quên thường đến với những người muốn có nhà đẹp nhưng khó tính, lại nhiều việc bận bịu. Vậy hãy dứt điểm những gì cần làm ngay khi niềm vui thích về ngôi nhà mới vẫn còn tươi rói.

8. Sự bão hòa:

Chiến đấu với ngôi nhà tới phút chót, hôm nay nhận nhà trong tâm trạng rã rời thân thể, cạn kiệt kinh phí, cạn kiệt niềm hứng khởi, chỉ mong cho xong cho rồi. Ai bảo bỏ cái gì vào cũng gật, ai treo gì lên tường cũng ừ. Vậy là bao nhiêu ý tưởng chắt lọc từ catalogue, gởi gắm (và "hành hạ" KTS) lúc thiết kế đã phăng teo.

Trừ phi bạn không còn tin KTS, để họ quyết định thay cho bạn theo cách của họ. Để giải quyết việc này, bạn bớt nhúng sâu vào giải pháp mà hãy bàn với họ một cách "khái quát", đừng cụ thể, đồng thời khoan phản đối, dành thời gian chiêm nghiệm.

9. Đồ mới nhập gia:

Bạn sẽ thiếu sót nếu không nghĩ đến đồ nội thất từ giai đoạn thiết kế. Chủ nhân của ngôi nhà sẽ cảm thấy hối tiếc khi bỏ ra một món tiền rất lớn để mua một bộ đồ nội thất nhưng vẫn không thấy đẹp.

Một là to quá, hai là nhỏ quá, hoặc là màu sắc chói quá. Cách tốt nhất để giải quyết là thuê thiết kế chuyên nghiệp, còn "chữa cháy" thì nên chọn nguyên tắc an toàn: đo trước khi mua (chứ không mua rồi mới ... đo), đồng màu, cùng chất liệu trong một không gian với nhau càng nhiều càng tốt và mua ít một, mua đúng cái mình cần trước.

10. "Ước gì em đã không lỡ lời":

Đôi khi việc xây cất ngôi nhà đi đến kết thúc ... không có hậu, đã có những phiền muộn do không thỏa mãn nhà thầu, người thiết kế. Thường chủ nhân lúng túng khi phải giải quyết một mình những chi tiết kỹ thuật và thẩm mỹ trong ngôi nhà.

Do vậy, sau khi nhận nhà, hãy yêu cầu nhà thầu, người thiết kế lưu lại những mã số gạch ốp lát, mã số sơn, bản vẽ hoàn công điện nước và hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, địa chỉ nhà cung cấp, cam kết bảo hành ... để khi hết bảo hành, chỉ còn lại ta với ta, ngôi nhà vẫn được chăm sóc tốt như ban đầu.

Vậy ta cần phải thực tế ngay từ khi đi đến một nhiệm vụ thiết kế, nhằm tránh phải chịu những hậu quả khi vận hành ngôi nhà trong vài thập niên. Hơn nữa, chủ đầu tư cần xây dựng tốt mối quan hệ với người tư vấn và nhà thầu để giúp duy trì chất lượng và thẩm mỹ ngôi nhà. Ngôi nhà như một cơ thể sống. Nếu xã hội có "bác sỹ gia đình" thì cũng nên có "kiến trúc sư nhà" để giúp tư vấn cho những năm sau này của ngôi nhà.

Xây đã khó, ở lại càng khó hơn.

(Theo báo KT&ĐS)

Không có nhận xét nào: