LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

2 tháng 5, 2009

Dự án trung tâm shopping Pedregal


Dự án Trung tâm shopping Pedregal đưa đến việc thiết lập một sự thể hiện kiến trúc mới ở khu vực Pedregal của Mexico City đã bị sao lãng, vì không có cái gì mới và quan trọng xảy ra từ lúc bắt đầu khi “Cuidad Universitaria” được xây dựng. Ngày nay áp lực BĐS và nhu cầu của các dịch vụ đang bắt đầu nhằm xúc tiến những thay đổi đáng kể.
Cách mà công trình liên kết với bối cảnh của nó đó là phá đi những gì phổ biến với vùng đất nơi đây, nơi đây có những ngôi nhà lớn trong những khu vực to lớn được bao quanh bởi chính những bức tường đá cao không để bất cứ ai biết những gì đang diễn ra bên ngoài và ngược lại.
Mục tiêu này đạt được với mặt tiền chính gồm có 2 yếu tố: một tấm kẽm bọc vải lanh, với những lỗ trống rộng lớn không đều nhau đến những sắc thái khác nhau của màu vàng và khu vực kính phiến trong mờ được lắp vào. Nó cho phép nhìn thấy nội thất từ bên ngoài, đồng thời cho phép nhìn thấy bên ngoài từ bên trong; bằng cách này không gian hòa lẫn vào nhau và những giới hạn bên trong đô thị và cá nhân trở thành những ranh giới.
Dự án bao gồm 2 tầng dành cho mục đích thương mại và một khu vườn trên mái và 2 tầng đậu xe ngầm. Tính lưu động đã phá đi lối vào của các cá nhân và những khu vực bao gồm: những bờ dốc, những không gian đậu xe đặc biệt, các thang máy...; khu vực tiếp nhận xe hơi tại cổng vào và cổng ra để tránh đậu xe trong đường công cộng, nhiều khu vực vườn, gồm có mái; khu vực phân phát xe hơi bên trong tầng hầm đậu xe đầu tiên.
Đây là một dự án phát triển thông minh và bền vững với một hệ thống điều khiển và tự động hóa, dự tính những tài nguyên tiết kiệm năng lượng chủ động và bị động: ánh sáng và hệ thống xả, những cánh cửa cuộn mặt tiền đóng và mở, máy điều hòa không khí, lối vào có thể kiểm soát được và an ninh, bảng chỉ dẫn phòng ngừa, CCTV, tất cả chúng được ghi trong lịch trình và được đồng bộ hóa.
Mặt tiền chính gồm có 2 yếu tố: một được bao phủ bằng tấm kẽm với những lỗ rộng lớn trống không đều nhau, yếu tố còn lại là một hộp kính trong mờ với những sắc thái khác nhau của màu vàng và sự trong mờ.

(Theo Báo xây dựng điện tử)

Huyền bí miền Tây Tạng


Mỗi năm, có hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ tới Tây Tạng khám phá những sự tích bí ẩn của vùng đất với những ngọn núi phủ đầy băng tuyết này

Khám phá cao nguyên Tây Tạng là niềm đam mê của những du khách thích phiêu lưu và tìm hiểu những điều huyền bí của Phật giáo Tây Tạng. Nằm trên dãy Hymalaya với độ cao trung bình khoảng 4.900m, Tây Tạng được xem là “nóc nhà của thế giới” với những ngọn núi cao sừng sững phủ băng tuyết quanh năm.
Thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa - “thánh địa của Phật giáo”- nên đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Người Tây Tạng giải thích rằng Lhasa là “đất bùn của dê” , bởi từ xa xưa, thành phố được xây dựng trên đất bùn do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge.
Biểu tượng của thành phố Lhasa là Cung điện Potala, theo tiếng Sankrit nghĩa là Cung điện của Bồ Tát. Đây là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng. Cung điện Potala được xây dựng trên núi Mabuge (núi Đo), cao hơn thành phố Lahasa tới 9m. Nó cao đến 13 tầng, như một vách đá màu trắng sừng sững nên đứng tại bất kỳ đâu ở Lhasa, du khách cũng có thể thấy được cung điện này.
Được biết, cung điện Potala được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, đánh dấu cuộc hôn nhân chính trị giữa quốc vương Tây Tạng Songtsan Gampo và Văn Thành, công chúa nhà Đường (con gái của Đường Thái Tông). Cung điện Potala chạy dọc theo một dãy núi thấp nhìn xuống thành phố Lhasa ở hướng nam, cũng là một bộ phận của khu đất có hình chữ nhật nằm ở chân núi. Trung tâm của khu đất có hai phần chính: Bạch cung ở phía Đông và Hồng cung ở phía Tây. Cả Bạch cung lẫn Hồng cung đều là sự phát triển của lối thiết kế tu viện Ấn Độ cổ đại. Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đá, đất, gỗ. Lúc đó chưa có phương tiện vận chuyển, tất cả vật liệu này đều phải dùng dê và sức người để chuyên chở.
Tòa nhà lớn có hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc. Cung điện Potala rất hoành tráng, người Tây Tạng hành lễ trước cửa hay vòng quanh Cung điện Potala phía ngoài. Tây Tạng còn nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa có khu vườn rộng 25.000m2 và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng.
Chùa Đại Chiêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ Phật giáo khi đến với Tây Tạng. Tây Tạng còn nổi tiếng với đại cổ tự Tashilumpo (thuộc thành phố Shigatse), cách thành phố Lhasa khoảng 225km về phía Tây. Cổ tự này được xây dựng vào năm 1447, là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Ngược 8km về phía Tây thành phố Lhasa là Thiền viện Drepung do các đệ tử của Tông Khách Ba (Tsong Kha Pa) - nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng - xây dựng lớn bằng cả ngôi làng, lúc cao điểm có đến 10.000 tăng sĩ từ các miền đến đây để học tập. Tông Khách Ba chính là người xây dựng Phật giáo Tây Tạng, sáng lập ra tông phái Hoàng Đạo (mũ vàng) - là tông phái của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay. Du khách cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy hình ảnh của những đoàn người hành hương với sự thành tâm cung kính trong bộ dạng tiều tụy và rách rưới. Đó chính là hình ảnh của thánh tăng Hư Vân (1840 - 1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với tổng đoạn đường dài trên 2.500km.
Hành hương Tây Tạng sẽ thiếu sót nếu du khách là phật tử không ghé đến tu viện Dzongchen, một trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng. Có thể coi Dzongchen là một “cõi Phật” thuần khiết.
Ngoài quần thể chùa hàng trăm sư tụ họp, du khách còn gặp những “ngôi nhà” ở ẩn của các tu sĩ theo dòng tu này. Nói là “nhà” chứ thật ra có khi nó chỉ là hang động hay một mái lều. Đến đây, phật tử khắp thế giới được tham quan, sống trong không gian đậm màu thiền tịnh, nếu có cơ may sẽ được tiếp kiến đức Đạt Lai Lạt Ma tại vị...Có thể nói, Phật giáo là nền tảng cơ bản của người Tây Tạng. Hình ảnh những ngôi chùa, những vị tăng trong màu áo nâu được nhìn thấy khắp nơi trên vùng thảo nguyên đầy gió và cát, cùng những điều huyền bí.

(Theo BCT)

Những điều chưa biết về căn hộ penthouse


Căn hộ penthouse được nhắc đến khá nhiều trên thị trường bất động sản hiện nay. Đây là khái niệm dùng để chỉ những căn hộ nằm trên tầng cao nhất của một tòa cao ốc, hay còn gọi là căn hộ thông tầng.
Trong kiến trúc, khái niệm penthouse được sử dụng cho cấu trúc nằm phía trên mái của một tòa nhà cao tầng, có tường bao quanh, nhưng không chiếm toàn bộ phần mái. Khi các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất ở châu Âu nhận ra tiềm năng trong việc tạo những không gian sống ấn tượng, họ đã tận dụng tối đa không gian tầng mái, và triển khai được dạng căn hộ độc đáo có tên là penthouse.
Penthouse bắt đầu thịnh hành từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, tại nhiều thành phố ở Mỹ. Năm 1923, khi những căn hộ trên tầng mái đầu tiên của tòa nhà Plaza Hotel nổi tiếng nhìn ra Công viên Trung tâm ở New York được đưa vào sử dụng, giới bất động sản toàn thế giới khi đó đã ít nhiều quan tâm đến dạng nhà ở kiểu mới này. Đây chính là thời điểm mở đầu cho một thời kỳ phát triển mạnh các căn hộ dạng penthouse trong những năm sau đó.
Penthouse được thiết kế khác hẳn những căn hộ khác trong cùng tòa nhà, và còn được phân biệt bởi tiêu chí xa hoa, sang trọng. Để phân biệt rõ nhất, penthouse thông thường sẽ gồm từ hai tầng trở lên. Cầu thang dẫn lên các tầng trên hầu hết được bố trí bên trong căn hộ. Những ban công rộng (mái hiên) chạy dọc ngôi nhà là điểm đặc biệt. Đó là những không gian thư giãn hiếm có, nhất là đối với các tòa nhà luôn bị quây bởi kính. Không phải tất cả các căn penthouse đều có những mái hiên như vậy, nhưng chúng luôn là chi tiết thiết kế mà nhiều kiến trúc sư hướng tới.
Một không gian tầng mái có thể được chia thành nhiều căn penthouse, nhưng cũng có nơi, toàn bộ tầng mái chỉ là một căn hộ kiểu thông tầng này. Penthouse có thể được thiết kế đặc biệt, bao gồm rất nhiều chi tiết độc đáo mà không tìm thấy ở bất kỳ căn hộ nào khác trong cùng tòa nhà. Mỗi căn thậm chí còn có lối ra vào riêng, thay vì phải chung đụng với những hộ khác ở bên dưới. Những ưu ái khác cũng sẽ được kiến trúc sư đưa vào không gian, chẳng hạn như trần nhà cao, có hệ mái vòm, lò sưởi, tầm nhìn đẹp và thông thoáng, cửa sổ rộng, nhiều phòng, không gian cho văn phòng và nhiều thứ khác nữa... Khu bếp là một trong những nơi thường là niềm tự hào của chủ đầu tư các căn penthouse này, với các thiết bị sang trọng bằng thép không gỉ, mặt đá granite, đảo bếp, quầy bar và nhiều thứ khác nữa.
Sở hữu penthouse là sở hữu cả không gian phía trên cao nên hầu hết những căn hộ này được bán với giá rất đắt, và thường gắn liền với phong cách sống sang trọng. Chính vì vậy, trên thị trường, đôi khi khái niệm penthouse được gắn cho rất nhiều loại nhà khác nhau, và giá cả vì vậy cũng bị thổi phồng lên. Khái niệm penthouse có khi được dùng cho những căn hộ không khác gì các căn còn lại trong tòa nhà, chỉ vì nằm ở tầng trên cao. Chưa hết, thậm chí còn xuất hiện khái niệm "sub-penthouse" để chỉ những căn hộ ở tầng áp chót, gần với penthouse nhất.
(Theo VnExpress)

New York - thành phố "mạng lưới"


Đầu thế kỷ 19, New York phát triển vô tội vạ và hoàn toàn tự phát trên đảo Manhattan. Đến năm 1811, Thị trưởng DeWitt Clinton đã cho trình một bản dự thảo quy hoạch thành phố theo dạng “mạng lưới” (The grid) độc nhất vô nhị.

Bản quy hoạch mạng bao trùm lên tất cả: đường xá, trang trại, vùng đồi núi, kênh rạch và vùng đầm lầy trên đảo Manhattan - và thậm chí còn bao trùm lên cả di sản của chế độ thực dân từng thống trị nước Mỹ. Bản quy hoạch này là biểu thị của sự dũng cảm, can trường dám làm dám chịu và cũng vô cùng khoáng đạt, tuy nhiên cũng cần nói thêm bản quy hoạch này bị đánh giá là khá “đơn điệu và tàn bạo”. “The grid”, là một mạng lưới đường giao thông, và cũng là một bản quy hoạch tổng thể để xây dựng lại thành phố New York đang có sự phát triển cực kỳ nhanh chóng.
Đầu năm 1811, Thị trưởng thành phố New York là DeWitt Clinton cùng với các thành viên của Ủy ban Quy hoạch do ông thành lập đã rất ngỡ ngàng khi được xem tấm bản đồ quy hoạch thành phố có chiều rộng là hai mét rưỡi. Đây là tấm bản đồ quy hoạch nhằm đưa New York từ một thành phố với 100 nghìn dân lên gấp mười lần, một triệu dân.
Từ đầu thế kỷ 19, New York bành trướng từ đỉnh phía nam Manhattan lên phía bắc. Do người dân di cư tới đây ngày càng nhiều nên đến năm 1810 dân cư sống tại hòn đảo này đã lên tới 100.000 người và đang tiếp tục tăng nhanh hơn nữa. Ngay từ thời kỳ đó New York đã là thành phố cảng biển lớn nhất Hoa Kỳ và cũng có số dân vào loại cao nhất. Về sức mạnh kinh tế New York khi đó chỉ đứng sau Philadelphia.
DeWitt Clinton, được đề cử làm Thị trưởng thành phố năm 1803, khi đó mới 34 tuổi. Ông luôn có hy vọng biến thành phố này thành trung tâm của Hoa Kỳ, một cường quốc trên thế giới trong tương lai.
DeWitt Clinton muốn có “một thành phố kiểu Mỹ”. Một thành phố được xây dựng mạch lạc, rõ ràng, hùng mạnh về kinh tế và chính trị nhưng đồng thời phải phản ánh được tư tưởng dân chủ đã được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ trước đó hai chục năm. Ủy ban Quy hoạch có nhiệm vụ biến ước mơ to lớn này thành hiện thực.
Nhận nhiệm vụ của Ủy ban Quy hoạch chuyên gia ngành trắc đạc dưới sự chỉ huy của ông John Randel đã ngày ngày miệt mài tiến hành đo đạc toàn bộ diện tích trên đảo Manhattan từ những vùng đầm lầy cho đến khu đồi núi, từ những khu trang trại rộng mênh mông cho đến những khu đất còn hoang hóa, cây cối rậm rạp. Các chuyên gia trắc đạc ghi chép cẩn thận từng độ cao, phác thảo các tuyến đường và các khu đất xây dựng nhà ở trong tương lai.
Sau bốn năm nghiên cứu, thu thập số liệu đến năm 1811 bản quy hoạch tổng thể xây dựng New York đã hoàn thành. Bản quy hoạch này bao trùm một vùng rộng lớn có diện tích trên 40km2 với một mạng lưới gồm 12 tuyến đường dọc và 155 đường ngang, mạng lưới này kéo dài tới trên 12 km, tới tận Harlem River. Những con đường này chia phần lớn diện tích Manhattan thành trên 1.500 lô đất xây dựng hình chữ nhật một chiều dài 240 mét nhân 60 mét. Có thể nói việc phân lô này là một thành công to lớn chống lại sự hỗn độn của tự nhiên.
Thậm chí ngay cả tuyến đường Broadway nối liền vùng cực nam với miền bắc đảo Manhattan từ thời xa xưa nhất cũng suýt bị các nhà quy hoạch xóa sổ gần hết. Tuy nhiên họ đã không thực hiện được ý đồ đó. Vì thế tuyến đường này là một ngoại lệ duy nhất, nó được tồn tại và tạo thành một đường chéo vắt qua hệ thống mạng lưới đường xá hình chữ nhật. Có thể nói bản dự thảo quy hoạch này phù hợp hoàn toàn với nguyên tắc bình đẳng và dân chủ. Những con đường ở thành phố này không phân theo đẳng cấp, tất cả đều nhất loạt được đánh số, không có một con đường nào mang tên người. Hệ thống đường xá ở đây hoàn toàn không có bùng binh, ngã năm, ngã bảy và cũng không có những đại lộ xa hoa lộng lẫy.
Hệ thống đường giao thông kẻ ô ở New York là một mô hình hoàn toàn khác so với mạng lưới đường xá ở các thành phố có sự phát triển không đồng đều ở châu Âu. Điều này đồng thời cũng là câu trả lời của nước Mỹ mới được giải phóng khỏi ách thống trị thuộc địa đối với sự xa hoa lộng lẫy của giới quân chủ châu Âu. Hơn nữa theo các nhà quy hoạch thì việc xây cất “loại nhà vuông thành sắc cạnh này không những ít tốn kém nhất mà còn tạo nên điều kiện sống thoải mái dễ chịu nhất cho người dân”.
Trong thực tế lối suy tính thực dụng này có ý nghĩa hết sức quyết định: vấn đề đặt ra là thành phố mới xây dựng này phải dễ quản lý, phải bảo đảm việc đi lại thật sự thuận tiện đồng thời dễ dàng thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh nhằm tránh để xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa những nhà lãnh đạo thành phố còn muốn phải quy hoạch thành phố như thế nào để cho việc giữ gìn an ninh trật tự ít tốn công sức, tiền của nhất. Có thể nói bản dự thảo này thể hiện rõ rệt nhất sự kết hợp tài tình giữa sự sáng suốt về quy hoạch với sự kiểm tra và quản lý xã hội.
Năm 1811 bản quy hoạch xây dựng thành phố New York đã được nghị viện bang New York ở Albany thông qua. Ngay sau đó người ta bắt đầu san ủi đồi núi, bơm, tháo cạn nước các khu vực sình lầy, phá dỡ các khu nhà ở cũ kỹ và xây dựng một hệ thống đường xá mới. Thành phố trưng thu đất làm đường giao thông. Chủ đất được hưởng một khoản tiền đền bù, tuy nhiên đối với nhiều người chủ đất cỡ nhỏ thì khoản đền bù này cũng chỉ có ý nghĩa an ủi. Vì lối phân lô theo mạng này đã xé nát diện tích của chủ đất hơn nữa họ còn phải tham gia đóng góp chi phí vào việc khai phá.
Những người có trách nhiệm bất chấp mọi sự phản đối. Những chủ đất cỡ lớn là những người được hưởng nhiều lợi lộc nhất từ bản quy hoạch này. Nhiều người trong số họ là những nhân vật lãnh đạo của thành phố và một số còn là thành viên Ủy ban Quy hoạch. Có thể nói việc phân lô khá đều đặn của bản quy hoạch rất thích hợp cho những nhà kinh doanh bất động sản cỡ lớn.
Thị trưởng DeWitt Clinton đóng góp nhiều công sức cho sự tiếp tục phát triển của New York. Từ năm 1810 ông ủng hộ ý tưởng xâydựng một kênh đào nối liền Hudson River đến vùng Hồ Lớn nhằm nối New York với vùng đất nằm sâu trong lục địa. Ý kiến phản đối công trình này cũng rất nhiều nhưng đều bị ông bác bỏ. Năm 1825 DeWitt Clinton, khi đó là thủ hiến bang New York, đã long trọng khánh thành kênh đào này.
Nhờ con đường giao thông thủy này thành phố New York trở thành một địa điểm trung chuyển hàng hóa rất quan trọng và có điều kiện phát triển ngày càng nhanh hơn. Năm 1840 Manhattan đã có trên 300.000 dân.
Nhưng ông Clinton không được chứng kiến sự phát triển bùng nổ của Manhattan: ông qua đời năm 1828 ở tuổi 58 vì bị tai nạn khi cưỡi ngựa. Nhưng cũng chính vì thế nên ông không buộc phải chứng kiến sự kiện điều chỉnh lớn nhất đối với bản quy hoạch tổng thể thành phố New York mà do chính ông khởi xướng.
Bản quy hoạch kiểu mạng lưới, phân lô được thông qua năm 1811 chỉ bao gồm một số quảng trường công cộng và thiếu vắng hẳn các công viên, vườn hoa và diện tích cây xanh. Manhattan được bao bọc bởi một con đê dài hàng km, vì thế Ủy ban Quy hoạch cho rằng người dân ở đây có đủ không gian để nghỉ ngơi, hóng mát và hít thở không khí trong lành dọc theo con đê này.
Năm 1850 các chính trị gia ủng hộ cải cách yêu cầu xây dựng một công viên lớn ở trung tâm thành phố để mọi người dân New York bất kể giàu nghèo có thể đến đây vui chơi, giải trí. Giới giàu có ở thành phố, vì những lý do khác, cũng ủng hộ hết sức nhiệt tình đòi hỏi này. Họ muốn New York cũng phải có một khu vui chơi, giải trí tầm cỡ có thể sánh với các công viên nổi tiếng tại các thành phố lớn ở châu Âu - công viên này phải bề thế đến mức những người giàu sang phú quý có thể tự do phóng xe ngựa vào ra một cách thoải mái. Những chủ đất lớn gần khu công viên đặc biệt ủng hộ kế hoạch này vì họ hy vọng với dự án này giá trị đất đai của họ ở vùng lân cận sẽ tăng lên rõ rệt. Sau một thời gian dài tranh cãi năm 1853 chính quyền thành phố quyết định trưng mua một khu vực có diện tích khoảng 280 ha ở phía bắc đường số 59. Đây là vùng gò đồi, đất đai cằn cỗi, đi lại không thuận tiện, khá xa khu dân cư đông đúc và việc khai phá tương đối khó khăn. Khoảng 1600 dân đang sinh sống ở khu vực này, chủ yếu là người da đen và dân nhập cư từ Ireland và Đức buộc phải di rời. Nhà cửa, chuồng trại, nhà thờ và cả nghĩa địa ở vùng này đều bị san bằng.
Một ủy ban được thành lập để tổ chức các cuộc thi chọn đề án xây dựng công viên. Đề án chung xây dựng công viên của nhà báo người Mỹ Frederick Law Olmsted và kiến trúc sư người Anh Calvert Vaux đã được bình chọn. Công việc xây dựng công viên được triển khai từ năm 1858. Hàng nghìn tấn đất màu mỡ được vận chuyển tới đây, một loạt con suối, ao hồ và rừng cây ra đời, nhiều km đường xá và cầu cống được xây dựng. Năm 1863 công viên này đã kéo dài tới tận đường số 110, cuối cùng vùng cây xanh và công viên công cộng này có tổng diện tích lên tới trên 340 ha ở ngay trung tâm Manhattan - như vậy là có tới 151 lô đất thuộc mạng lưới quy hoạch ban đầu đã được sử dụng vào những mục đích hoàn toàn khác so với bản quy hoạch tổng thể năm 1811 do DeWitt Clinton đề xuất.
Nhưng giá như DeWitt Clinton được chứng kiến công trình này thì chắc chắn ông cũng hoàn toàn ủng hộ: vì “Central Park”, đã nhanh chóng trở thành một công viên phục vụ mọi người dân New York, không phân biệt giàu nghèo và công viên này là niềm tự hào của các nhà quy hoạch New York vì nó thấm đậm tinh thần dân chủ.

(Theo Ashui.com)

Khách sạn Helix tại Abu Dhabi

Công ty thiết kế có uy tín quốc tế Leeser architecture của Mỹ đã giành giải nhất trong một cuộc thi thiết kế khách sạn 5 sao sang trọng tại vịnh Zayed ở Abu Dhabi, UAE.

Nó được đặt tên là Helix (Hình xoắn ốc) do các tấm sàn xếp xen kẽ theo hình xoắn ốc, khách sạn này nằm ở vịnh, một phần nổi lên trên mặt nước và liền kề cây cầu Sheik Zayed uốn khúc do Zaha Hadid thiết kế hiện đang được xây dựng. Khách sạn sẽ là điểm nhấn cho khu vực Vịnh Zayed.Với 208 phòng sắp xếp quanh các tầng nhà theo hình xoắn ốc. Tầng nhà liên tục thay đổi về chiều rộng và độ dốc cho đến khi lên đến tầng trên cùng, khiến cho không gian xung quanh cũng biến đổi theo. Không có phòng nào nằm chéo nhau có thể nhìn trực diện sang phòng phía bên kia.Theo đường xoắn ốc, có thể thấy ở tầng dưới là phòng chờ của khách, các nhà hàng trên vịnh, lên các tầng trên là phòng họp, phòng tổ chức hội nghị, các quán cafe, khu spa sang trọng ngòai trời và trong nhà ở tầng 5. Trên mái là 1 bể bơi có đáy làm bằng kính, do vậy có thể nhìn xuyên xuống 8 tầng ở dưới, trên tầng 5 có 1 đường chạy dành cho những du khách thích thể thao và các hoạt động ngòai trời.

Khi tập trung vào thiết kế độc đáo này, Công ty Leeser Architecture đã làm việc với công ty tư vấn Atelier Ten để xác định điều kiện và vật liệu tốt nhất có thể cho việc bảo toàn nhiệt và năng lượng. Hệ thống thác nước trong nhà làm giảm lượng nhiệt tích lũy bên trong khách sạn xuống thấp nhất bằng cách lọc và đưa nước mát trở lại. Ở hành lang phía dưới, một bức tường kính động được xây từ móng của tầng 2 xuống dưới nước. Bức tường đóng vai trò như một tấm màn, mở ra khi thời tiết mát và đóng lại khi trời quá nóng. Một phần diện tích bên ngoài khách sạn được ốp làm bằng một loại chất liệu mới gọi là GROW, có khả năng tạo ra điện từ gió và ánh sáng.

(kientrucvietnam.org.vn)