LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

26 tháng 3, 2009

Triều Tiên cảnh báo Liên Hợp Quốc về tên lửa


Một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao CHDCND Triều Tiên ngày 24/3 tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng về việc thử vệ tinh là đồng nghĩa với sự sụp đổ của các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân. 

Triều Tiên từng tuyên bố sẽ phóng vệ tinh trong khoảng từ ngày 4 đến 8/4. Các cường quốc trong khu vực cho rằng vụ phóng thử vệ tinh này thực chất là thử tên lửa tầm xa và đây là sự vi phạm các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc. 
“Thật là vô lý khi nói rằng công nghệ phóng vệ tinh không thể phân biệt với công nghệ tên lửa tầm xa. Điều này cũng giống như việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói rằng dao nhà bếp không khác gì một lưỡi lê”, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên trích lời một phát ngôn viên giấu tên từ Bộ ngoại giao. 

Phát ngôn viên nói “hành động thù địch như vậy” có thể đi ngược với tuyên bố chung ký kết vào ngày 19/9/2005 - thoả thuận đổi viện trợ lấy giải trừ hạt nhân mà Triều Tiên đã ký kết với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. 

“Nếu tuyên bố chung đó bị huỷ bỏ, sẽ không sự tồn tại của các cuộc đàm phán 6 bên”. 

Triều Tiên đã ám chỉ rằng đường đi dự kiến của tên lửa là trên bầu trời Nhật Bản, vứt bỏ động cơ đẩy ở biển Nhật Bản. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều muốn hối thúc các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên về vụ thử, bất chấp là vụ phóng thử vệ tinh hay tên lửa vì đều sử dụng cùng một loại tên lửa là Taepodong-2.


“Hành động chiến tranh” 

Báo chí Nhật Bản đưa tin, nước này có thể triển khai hai tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa Aegis, có khả năng bắn hạ tên lửa, tới vùng biển giáp ranh với Triều Tiên. Mỹ cũng triển khai các tàu hải quân tại châu Á có khả năng chặn tên lửa. 

Bình Nhưỡng tuyên bố bất kỳ nào âm mưu nào nhằm bắn rơi tên lửa là một hành động chiến tranh. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone nói rất khó có thể chặn đứng những mảnh vụn rơi xuống từ tên lửa. “Đất nước chúng ta chưa từng làm việc này trước đây. Chúng ta không biết nó sẽ bay như thế nào và ở đâu”, ông Nakasone nói. 

Lần đầu tiên và cũng là duy nhất Triều Tiên phóng thử tên lửa Taepodong-2 là vào năm 2006 nhưng thất bại. Tên lửa này đã rơi xuống biển Nhật Bản sau khi được bắn lên 40 giây. 

Trung Quốc, chủ nhà của các vòng đàm phán giải trừ hạt nhân, đã kêu gọi các bên kiềm chế. 

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin, các nhà ngoại giao từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Washington vào thứ 6 này để thảo luận kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. 

(Theo Dân Trí)


Triều Tiên đã đặt tên lửa Taepodong-2 vào bệ phóng


Triều Tiên đã đặt một tên lửa Taepodong-2 vào bệ phóng tại căn cứ ở Musudan, phía đông nước này, các quan chức Mỹ hôm 25/3 cho biết. 

Bình Nhưỡng cho biết, họ dự định dùng tên lửa để phóng vệ tinh vào không gian. Nước này ra thông báo quốc tế là màn phóng sẽ diễn ra trong khoảng 4-8/4. 

Theo giới chức Mỹ, trong khi hai tầng của tên lửa được lộ ra thì phần đầu của nó vẫn được bao phủ. Tuy nhiên, hiện giờ thì tên lửa đã ở trên bệ phóng và việc phóng thiết bị này có thể sẽ diễn ra trong vài ngày nữa. Nếu Triều Tiên thực sự phóng tên lửa thì hành động đó sẽ là một sự vi phạm lệnh cấm của LHQ vì Bình Nhưỡng không được phép tiến hành các hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo. 

Triều Tiên tuyên bố kế hoạch phóng là hoà bình nhưng các quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng nước này sẽ dùng một công nghệ tương tự với công nghệ dùng để phóng tên lửa đạn đạo. Nếu phóng thành công, đó sẽ là bằng chứng đầu tiên cho thấy Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa đạn đạo chống lại ít nhất là Alaska hoặc Hawaii, các quan chức Mỹ nhận xét. 

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair chứng thực trước Quốc hội rằng việc thử thành công một tên lửa 3 tầng sẽ cho thấy khả năng chạm tới Mỹ bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. 

Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Timothy Keating gần đây cảnh báo, Mỹ có khả năng bắn hạ tên lửa nếu nó đe doạ Mỹ hoặc các đồng minh của nước này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc và các quan chức quân sự cho rằng viễn cảnh này khó xảy ra. 

Nhật, một nước có khả năng trong tầm ngắn của tên lửa Triều Tiên, cũng tuyên bố, đã chuẩn bị bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng bằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa Patriot mua của Mỹ. 

Đợt thử nghiệm tên lửa Taepodong của Triều Tiên gần đây nhất diễn ra vào 2006 nhưng thất bại. 

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức tình báo giấu tên nói hôm 23/3 rằng nhà chức trách Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa tầm xa, chứ không phải vệ tinh, vào ngày 4-5/4. 

(Theo VietNamNet)


Nhật sẽ ra lệnh quân đội bắn tên lửa Triều Tiên


Nhật Bản nhiều khả năng sẽ yêu cầu binh sỹ nước này sẵn sàng chuẩn bị bắn tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu nó có nguy cơ đâm vào đất nước mặt trời mọc. Thông tin được báo chí Nhật đăng tải ngày hôm nay, trước buổi họp thảo luận về kế hoạch này. 

CHDCND Triều Tiên cho biết sẽ tiến hành phóng một vệ tinh viễn thông bay qua lãnh thổ của Nhật Bản vào đầu tháng 4 tới, nhưng phía Mỹ và các đồng minh châu Á nghi ngờ rằng vụ phóng thực chất là cuộc thử tên lửa đạn đạo tầm xa. 

Tokyo, nước đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cùng với Mỹ, cảnh báo họ sẽ bắn hạ bất kỳ vật thể nào (tên lửa hay mảnh vỡ) nếu nó có nguy cơ đâm vào lãnh thổ Nhật. 

Còn phía Triều Tiên tuyên bố họ sẽ coi việc đánh chặn tên lửa là hành động chiến tranh. 

Các báo đưa tin Tokyo chắc chắn sẽ đưa ra một mệnh lệnh vào ngày thứ sáu tới, yêu cầu các lực lượng vũ trang sẵn sàng chuẩn bị đánh chặn tên lửa Triều Tiên. 

Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada, Ngoại trưởng Hirofumi Nakasone, Chánh văn phòng nội các Takeo Kawamura dự định nhóm họp vào ngày hôm nay để bàn về đối phó của Nhật Bản đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. 

Được biết, các bộ trưởng sẽ quyết định xem nội các liệu có đưa ra quyết định ngay tức thì sau khi bất kỳ tên lửa nào được phóng lên hay không; hoặc xem liệu nội các có phê chuẩn trước cho quân đội bắn nó hay không. Theo Kyodo News và nhật báo Asahi Shimbun, chính phủ Nhật có khả năng chọn phương án sau. 

Tin về sự chuẩn bị của Nhật Bản được đưa ra khi Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức gặp gỡ Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Lee Sang-Hee trong bối cảnh căng thẳng về kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên tăng cao. 

CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo rằng tầng đẩy đầu tiên của tên lửa sẽ rơi xuống Biển Nhật Bản, ngoài khơi quận Akita, miền bắc Nhật, và tầng đẩy thứ hai sẽ rơi xuống bắc Thái Bình Dương, giữa Nhật Bản và Hawaii. 

Washington và Tokyo đã hợp tác xây dựng một hệ thống lá chắn tên lửa ở Nhật, dùng tên lửa trên đất liền và trên biển, chống lại các vụ tấn công có thể từ phía Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã từng bắn một tên lửa qua bầu trời Nhật Bản vào năm 1998 và thử một quả bom nguyên tử vào năm 2006. 

Hôm qua Ngoại trưởng Nhật Nakasone thừa nhận rất khó có thể bắn hạ một tên lửa đang bay, nhất là khi không biết nó được phóng lên lúc nào. 

“Việc bắn hạ là rất khó khăn. Đất nước chúng ta lại chưa bao giờ thực sự bắn chặn một tên lửa. Chúng ta cũng không biết tên lửa sẽ hướng tới đâu, đi theo đường nào và bằng cách nào”, ông nói. 

(Theo Dân Trí)

Binh sĩ Thái "tiến vào" Campuchia


Các quan chức Campuchia hôm nay (25/3) cho biết, khoảng 100 lính Thái Lan có vũ trang đã tiến vào đất Campuchia ở khu vực gần ngôi đền biên giới tranh chấp giữa hai nước, địa điểm bùng phát đụng độ năm ngoái.

Phay Siphan, một phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nói, các binh sĩ Thái có vũ trang đầy đủ đã tiến sâu vào Campuchia khoảng 1km, tại khu vực phía tây đền Preah Vihear lúc 1h40 chiều nay. 

Ông Phay Siphan nói, giao tranh không bùng phát nhưng cả hai phía đều cảnh giác. Chỉ huy hàng đầu của Campuchia đã yêu cầu lính Thái rời khu vực trên. 

Về phần mình, đại tá Pichit Nakarun, một chỉ huy quân đội Thái tại biên giới đã phủ nhận việc lính Thái vượt qua biên giới giữa nước này với Campuchia. 

"Tình hình không căng thẳng hơn bình thường", đại tá Pichit Nakarun nói. 

Cả Campuchia và Thái Lan đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực quanh đền Preah Vihear. Dù hai nước đã tiến hành vài cuộc hội đàm nhưng vẫn chưa đi tới giải pháp nào. 

Binh sĩ của cả hai nước đều đóng ở biên giới chung từ tháng 7/2008, kể từ khi căng thẳng lâu dài giữa hai bên nổ ra và giao tranh bùng phát. Xung đột ngắn làm dấy lên lo ngại chiến tranh có thể nổ ra. 


(Theo VietNamNet)


Nga ủng hộ lập đồng tiền chung Á - Âu


Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ cho đến nay, tiền tệ của Mỹ đang gây nên sự mất tín nhiệm của người dân về đồng USD. Tờ “Độc Lập” của Nga đưa tin, Kazakhstan muốn phát hành một loại tiền tệ chung cho Á - Âu và kỳ vọng đồng tiền này có thể thay thế đồng USD trong một phạm vi nhất định.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, đồng USD đã chịu nhiều sự nghi vấn cho vị thế đặc biệt của loại tiền tệ quốc tế này. Theo tờ “Độc Lập”, Ngoại trưởng Nga rất ủng hộ với đề xuất lập ra một đồng tiền thống nhất cho Cộng đồng kinh tế Á - Âu của Tổng thống Kazakhstan - ông Nursultan Nazarbayev. Hiện tại, Cộng đồng kinh tế Á – Âu gồm có 5 nước thành viên chính thức Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. 

Trong hội nghị được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 11/3 vừa qua, TT Nazarbayev đã đưa ra ý tưởng phát hành “đồng tiền chung Á - Âu”. Tại diễn đàn “An ninh kinh tế Á - Âu trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, ông Nazarbayev cho biết, ông mong muốn phát hành một đồng tiền thống nhất của Cộng đồng kinh tế Á – Âu và không để cho đơn vị tiền tệ này phụ thuộc vào sự dao động của các đồng tiền khác (đồng USD). Ông Nazarbayev nhấn mạnh, điều này sẽ giúp nâng cao sự ổn định về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giao lưu giữa các nước thành viên. 

Trong buổi gặp mặt hôm 17/3 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhất trí quan điểm với người đồng cấp Kazakhstan, ông cho biết, phía Nga sẽ ủng hộ đề xuất lập ra một đồng tiền thống nhất.“Đề xuất của TT Nazarbayev mang tính chiến lược lâu dài”, ông này nhấn mạnh thêm. 

Trước đó, rất nhiều kiến nghị các nước trên thế giới nên thành lập một loại tiền tệ quốc tế mang tính khu vực được đưa ra. Trong đó, Tổng thống Iran - Mahmoud Ahmadinejad cũng đề nghị, phát hành một đồng tiền thống nhất trong khuôn khổ của SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) để thay thế vị trí của đồng USD. Còn phía Nga từ lâu đã yêu cầu sử dụng một loại tiền tệ khác chứ không phải là đồng USD trong giao dịch thương mại với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mặc dù đề xuất thay thế đồng USD không ít, nhưng các học giả của Nga lại giữ thái độ thận trọng đối với kiến nghị này của TT Kazakhstan. Ông Berezovsky, người phụ trách cho một Công ty đầu tư của Nga cho biết, sử dụng tiền thống nhất trong khu vực này không phải là một việc có thể đoán trước được, việc này còn phải chờ đợi sự dung hòa giữa các nước thành viên. 

Igor Nikolayev – nhà nghiên cứu chiến lược Nga cho biết, cần phải chú ý đến nhân tố quan trọng sau: Cho dù cộng thêm cả Nga thì khối lượng kinh tế của Cộng đồng kinh tế Á – Âu cũng không lớn. Môi trường thích hợp để lập “đồng tiền chung Á – Âu” vẫn chưa rõ ràng. Nền kinh tế Nga hiện nay cũng đang bị tụt hạng từ vị trí thứ 7, thứ 8 trong 20 nền kinh tế lớn trên thế giới xuống thứ 10, thứ 11. Đây cũng là một bóng tối bao trùm lên Á – Âu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nếu coi đồng tiền này là một tín hiệu chính trị, như vậy đề xuất này vẫn có tính khả thi. 

(Theo Vitinfo)


Chỉ huy NATO khuyến cáo đề phòng Nga


Tướng John Craddock, chỉ huy hàng đầu của NATO cảnh báo, quan hệ Mỹ-Nga đang bước vào thời kỳ "không ổn định". Ông cho rằng, Moscow dường như quyết tâm làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ.

"Trong những năm tới, quan hệ với Nga sẽ khó kiểm soát hơn bất kỳ một thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", Tướng John Craddock phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội Mỹ hôm 24/3. 

Với lý do Nga từng có hành động quân sự nhằm ủng hộ các vùng ly khai ở Grudia hồi tháng 8/2008 và tranh chấp về cung cấp khí đốt cho châu Âu hồi tháng 1 năm nay, ông Craddock viết rằng, hành động của Moscow cho thấy ý định của họ có thể là làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ một cách có hệ thống. 

Cảnh báo mạnh mẽ trên được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Obama tìm cách giảm căng thẳng với Nga, đề xuất có thể nhượng bộ Moscow về kế hoạch vũ khí phòng thủ tên lửa tại Trung Âu để đổi lấy sự ủng hộ về ngoại giao đối với chương trình hạt nhân Iran. 

Tướng Craddock, hiện cũng là người đứng đầu Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ, phát biểu trước Uỷ ban vũ trang Thượng viện rằng, Nga đã chọn cách giữ một thái độ quả quyết mới đối với những nước láng giềng và các nước châu Âu dựa vào nguồn năng lượng của họ. 

"Chúng ta đang ở trong thời điểm mà quan hệ Mỹ-Nga không ổn định - vốn xuất phát từ những bất đồng liên quan tới an ninh châu Âu, vai trò của Nga trong cái mà họ coi là láng giềng, việc Nga quyết định đưa quân tới Grudia và công nhận các tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia", tướng Craddock cho hay. 

Quân đội Mỹ đang tìm kiếm một mối quan hệ quân sự thực tế và hy vọng các cuộc hội đàm với phía Nga sẽ được tiếp tục sớm, sĩ quan chỉ huy của NATO cho biết. 

Trong khi Washington đang có kế hoạch giảm quy mô lực lượng Mỹ đóng tại châu Âu, tướng Craddock lại đề xuất giữ nguyên kế hoạch đưa các lữ đoàn quân đội quay lại khu vực này trong thời gian tới để họ tham gia những nỗ lực ngăn chặn, dù quan chức này không đề cập tới Nga. 

Tướng John Craddock hiện là Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (USEUCOM) và là chỉ huy liên minh tối cao ở châu Âu của NATO. 

(Theo VietNamNet)