LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

26 tháng 1, 2009

Nhớ lại những ký ức miền quê


23h 45’ Mồng 1 Tết Cổ truyền năm Kỷ Sửa 2009.
     
     Tình cờ lang thang trên mạng, tôi đọc được các biên khảo của nhà báo Hồng Hạnh, nhà văn Sơn Nam và các tác giả khác viết về vùng đất Nam Bộ xưa, các trang viết làm cho tôi lâng lâng cảm xúc đồng cảm, liên tưởng và nỗi nhớ về quê hương với những ký ức xa xưa từ thuở nhỏ chợt ẩn hiện trong tâm hồn tôi. Và vì thế, dù chủ định hay không chủ định tôi hay bị cảm xúc của chính mình nắm níu về những ký ức của miền quê An Giang xa xưa, nơi tôi sinh ra. Ở đó, những con đò, những chiếc phà, những bến đợi, những dòng song, những con đường làng và những con người thuần chất Nam Bộ, luôn gợi cho tôi một nỗi niềm thương nhớ. Dù xa quê hương nơi tôi sinh ra, nhưng tôi vẫn luôn là một người Miền Tây Nam Bộ, vẫn luôn hãnh diện, tự hào mình là một người con của vùng Đồng bằng sông Cửa Long.
     Tôi xin mạn phép các tác giả, xin được trích đăng các bài viết, các biên khảo về vùng đất Nam Bộ xưa trong Weblog của tôi, để mọi người có thể đọc và nhớ về vùng đất Nam Bộ xưa của đất nước Việt Nam.
     Những trang viết về những vùng đất Nam Bộ, dường như đã thuộc về quá khứ, song lịch sử vùng đất Nam Bộ mãi là vùng đất của những ký ức thiêng liêng, của những thế hệ con người Miền Tây, dù cho năm tháng có tàn phai.

(Hòa Bình)

Nhà Tây ở xứ Bạc Liêu xưa



          Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ, ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperrae ra nghị định phân chia 6 tỉnh Nam kỳ thành 19 tiểu khu hành chính. Và đến 18/12/1882, Thống đốc Le Myre Vilers ra nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng, Rạch Giá lập thêm tiểu khu Bạc Liêu với viên chủ tỉnh đầu tiên là Lamothe de Carrier. Đến ngày 20/12/1989, toàn quyền Paul Doumer lại đổi khu thành tỉnh - lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau. Và dù cho Bạc liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác, song với những đặc điểm riêng biệt vốn có, Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp lúc bấy giờ. Trong một báo cáo tổng quát cho Thống đốc Nam kỳ vào năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã cho rằng: “…trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn...”.
Có lẽ do vậy, khi thành lập tỉnh Bạc Liêu, chính quyền lúc bấy giờ đã tiêu tốn khoảng tiền 40 ngàn đồng để xây cất dinh thự, công sở. Thêm vào đó, Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Bằng đồng tiền bóc lột từ mồi hôi của tá điền, các đại địa chủ đã xây cất nên một loạt nhà ở hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, Bạc Liêu chưa trở thành một đô thị lớn của vùng đồng bằng Nam bộ như lời “tiên đoán” trên 100 năm trước đây, song, những dãy biệt thự rêu phong, trầm mặc đã như một chứng tích vàng son của xứ Bạc Liêu xưa.

            Không như một số tỉnh khác như Cần Thơ hoặc An Giang, hiện nay, ở xứ sở Bạc Liêu vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự được xây cất theo lối kiến trúc phương Tây. Chỉ có một số ít ngôi nhà bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Chính điều này đã tạo nên cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng. Nói đến Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà của “Công tử” Bạc Liêu dọc theo bờ sông, nhớ đến công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm. Một số công trình kiến trúc đáng kể là Tòa Hành Chánh, Tòa Án, Dinh bố (nhà quan chủ tỉnh), nhà Huyện Sổn, nhà Hội đồngTrạch, nhà Hội đồng Điều, nhà ông Cao Triều Phát... Đến bây giờ người ta vẫn không biết đích xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch... đều được chuyên chở từ Pháp qua. Theo phỏng định của ông Ba Bé - Phó ty Kiến thiết trước đây - thì mãi đến những năm 30, 40 mới sử dụng gạch Phú Hữu (Đồng Nai). Nhưng dây chuyền công nghệ để làm nên gạch này cũng do người Pháp lắp đặt nên.
Điều đáng nói là loại trừ yếu tố vật chất, các kiến trúc sư người Pháp lúc bấy giờ đã đem lại một nét xây dựng khác hẳn, rất tiêu biểu và rất chân phương vào những năm đầu thế kỷ. Họ khai thác triệt để 3 yếu tố: cây xanh, ánh nắng, không gian. Đa số các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng xung quanh. Điểm lại một số biệt thự của tư nhân xưa, nay được sử dụng cho các cơ quan như: Thư viện tỉnh, Nhà trẻ mầm non, Viện kiểm sát, Báo Bạc Liêu... đều thấy rõ đặc điểm này. Đa số các ngôi biệt thự này dù lớn, dù nhỏ chí ít phải có trên 50 cửa sổ, cửa ra vào. Song, một bài học ở các kiến trúc sư người Pháp lại là “sự kết hợp hai yếu tố hiện đại và dân tộc vào kiến trúc”. Việc duy trì cái cũ khi xây dựng cái mới đã làm nên cái bản sắc độc đáo của mỗi vùng. Đa số các nhà Tây còn lại đều cho thấy việc tuân theo một quy tắc kiến trúc cổ điển: phần đằng trước đối xứng nhau, mái không phẳng và lợp ngói theo phong cách Đông phương. Và những yếu tố kiến trúc phương Đông này được các KTS người Pháp sử dụng tài tình. Tiêu biểu là mái ngói bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Chỉ vài nét đặc sắc như vậy đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những “dấu ấn Tây” ở Sài Gòn, Hà Nội... mà đặc biệt là Đà Lạt đã “Âu hóa” hoàn toàn.
            Điểm khác biệt ở một số ngôi nhà Tây ở Bạc Liêu - đa số là nhà của các đại điền chủ - là đã cải tiến lại, vẫn là 3 gian, 2 chái. Sảnh giữa nhà thường để bộ trường kỷ tiếp khách. Khi bước vào nhà của Huyện Sổn hay nhà của Hội đồng Trạch, chúng ta điều thấy rõ bên cạnh những phù điêu đắp cột, bao lam, gờ tường rất Tây lại là những cửa, những hương án, bình phong bằng gỗ cẩm lai, lim đen rất cổ kính. Điểm lạ là những nét nhấn này lại hết sức hòa hợp với nhau. Nét chung nhất của những ngôi nhà này vẫn là nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng đặc trưng. Bên trong nhà thường xuất hiện những hành lang, vòm trần cao vút. Hiện nay, các hoa văn trên vòm trần một số ngôi nhà vẫn còn giữa nguyên với màu sắc tươi tắn nguyên bản.
             Ở giai đoạn vài mươi năm sau đầu thế kỷ, một loạt nhà khác được xây dựng nên bởi kiến trúc sư Việt Nam được Pháp đào tạo tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Họ đã bớt câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ. Và chủ nhân của những ngôi nhà này lại là lớp trí thức “Tây học” nên cách xếp đặt, bài trí cũng khác hơn, mới hơn. Họ đã chú ý đến sân thượng, ban công, cách bố trí xếp đặt phòng khách. Hình khối kiến trúc đã không còn là khối phẳng như trước đây. Tiêu biểu là nhà biện lý Tòa Án, Chánh án tòa án (nay là CLB hưu trí, nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là trụ sở báo tỉnh), nhà bác sĩ Hào (nay là trường mẫu giáo)...



          Nhưng xét trên bình diện chung nhất, dẫu đó là nhà tư nhân hay dinh thự thì vẫn hồ nước mưa rất lớn. Có lẽ khi đó, các KTS Pháp đã nghiên cứu rất nhiều về xứ sở phù sa, nước mặn này. Song họ không xây hàng loạt những hồ nước mưa theo hình khối hợp cứng nhắc. Ở nhà “Công tử” Bạc Liêu thì trên nóc dãy nhà gia nhân dài hàng mấy chục thước là hồ chứa nước mưa. Bên trên hồ trở thành sân thượng thông qua một sảnh lớn, nếu không tinh ý, sẽ không ai nhận ra nắp hồ. Hoặc ở nhà Huyện Sổn, bên trên hồ nước ở góc sân, chủ nhân đã cho xây lên một tháp canh sừng sững. Một số ngôi nhà khác, hồ nước mưa nằm bên dưới mặt sân bên ngoài. Nhiều hồ rất lớn, diện tích bên trên mặt hồ có đến vài ba chục mét vuông. Mỗi hồ nước mưa này có thể đủ để sinh hoạt cho một đại gia đình suốt năm. Chuyện Hội đồng Trạch cho xe kéo chở nước xài cho con mình mãi tận Giá Rai, có lẽ là chuyện thật. Những giai thoại về ăn chơi của xứ “công tử Bạc Liêu” đã khoác lên cho những dinh thự, biệt thự này một bí ẩn khác lạ. Theo dòng thời gian, rêu phong đã phủ đầy lên các khung sắt, gờ tường, nhưng những đường nét kiến trúc lạ lẫm vẫn cứ sừng sững giữa miền quê sông nước mênh mông. Nó vẫn là dấu hỏi thách đố những ai đang muốn “bóc” lại những nhát cắt lịch sử.
          Đến tận bây giờ, những người dân Bạc Liêu, dù cố cựu hay tha phương đều xem quần thể kiến trúc này là một di sản tinh thần của riêng mình. Đó là niềm tự hào hay hoài niệm của người xa xứ. Điều họ tự hào là những quần thể kiến trúc ấy lại nằm giữa một vùng phù sa gần chót mũi Tổ Quốc - nơi vốn mệnh danh là xứ sở của những người đi khẩn hoang. Lịch sử đó đã trên một trăm năm nay. Nhưng cảnh hoang phế, rêu phong ấy liệu có xóa dần đi những nét đặc sắc riêng của Bạc Liêu hay không.
Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ. Điều đáng quí nhất, nó nằm tập trung theo một quy hoạch nhất định ở hai bên bờ sông. Và trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến năm 1945 - rất may là ít có nhà nào bị đập bỏ ở quy mô lớn. Thế nhưng , nỗi lo ở đây lại bắt nguồn từ sự không có ý thức, hoặc thiếu một hiểu biết, tôn trọng quá khứ nhất định. Đa số các ngôi nhà này đều được sử dụng làm công sở nhà nước. Nhiều cơ quan đã chỉnh sửa, phá vỡ nét kiến trúc ban đầu để phù hợp với công việc của mình. Sau năm 1975, Bạc Liêu đã nhiều lần tách nhập, hoặc di dời trung tâm tỉnh lỵ. Mỗi một lần như vậy, các ngôi nhà xưa lại có thêm chủ mới. Và điều kế tiếp, lại có thêm những chỉnh sửa mới. Tất cả đã trở thành một thứ “tả pín lù” không thể chấp nhận được. Nhiều ngôi nhà bị sơn phết, ngăn che, lắp rắp đến đau lòng. Ngay như ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, nay đã được tô trét, đập phá nét xưa để hiện hữu cái gọi là “Khách sạn Công tử Bạc Liêu” chẳng còn gì nét xưa cũ.
          Một nỗi lo khác lại từ việc quy hoạch đô thị. Một số người có tâm huyết với vốn văn hóa xưa đã nghĩ ngay đến việc quy hoạch một khu phố cổ - hiện giờ là trung tâm thị xã. Khu phố đó có thể từ ngã tư Quốc tế vòng quanh Bệnh viện, kéo đến rạp hát Cao Văn Lầu và hai dãy phố ven sông Bạc Liêu có cầu Quay bắc qua. Họ đã có lý khi nêu lên một nguyên tắc xây dựng đô thị của KTS người Đức J.Stuben - “phải biết tôn trọng quá khứ, không được thay đổi hay di dời cái trung tâm thành phố cũ mà chỉ xây dựng cái mới song song với cái cũ”. Sau khi tách tỉnh, Bạc Liêu đã có một quy hoạch tổng thể chung. Theo đó, khu trung tâm hành chánh sẽ riêng biệt với những con đường mới. Hiện trạng khu trung tâm hiện nay sẽ được giữ nguyên. Chưa kịp mừng, chỉ vài tháng sau, một trung tâm thương mại với những dãy nhà cao tầng xây dựng sừng sững kế bên công viên hàng me cổ kính. Và rồi, “Nhà dây thép” xưa đang bị đập bỏ, phá vỡ. Những cột móng bê tông đang để tập kết la liệt. Không hiểu một kiến trúc gì sẽ nằm giữa Tòa hành chánh, Dinh tỉnh trưởng cũ vốn rất oai nghiêm, trầm mặc.
          Trước đây, khi xây dựng trụ sở Tỉnh ủy Minh Hải cũ (nay là trung tâm ĐH tại chức Bạc Liêu), kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã để lại một công trình đồ sộ, oai nghiêm nhưng vẫn hòa lẫn với không gian bên ngoài. Để rồi nó hòa nhập với các dinh thự kế đó thành một tổng thể mang tính nghệ thuật, đan xen giữa kiến trúc và cây xanh. Phải chăng, những dạng tổng thể như vậy đã bị co cụm, cắt xén trong thời buổi kinh tế thị trường. Chúng ta có thể quy hoạch lại một đô thị mới nằm song song, dẫu có muộn đi đôi chút. Song việc phá vỡ đi nét kiến trúc cổ liệu đến bao giời mới phục hồi, tái tạo. Những ngôi nhà Tây xưa, nó không có giá trị cao khi chúng ta chỉ xem xét phiến diện. Nó chỉ có giá trị khi được nằm trong một tổng thể chung. Và cái tổng thể này đã trở thành một giá trị tinh thần của xứ sở Bạc Liêu. Vùng đất này đang tính đến chuyện sẽ đi lên bằng thế mạnh du lịch. Nhưng liệu hôm nay chúng ta có cất cánh nổi không, khi vẫn còn những xâm phạm, những vết cắt vào những giá trị tinh thần của một quần thể vật chất xưa. Những ngôi nhà ấy ngủ quên đến bao giờ.

(Theo Dấu xưa Nam Bộ)

Happy new year


Web Bolg kientrucvacuocsong.blogspot.com xin Kính chúc bạn bè, thân hữu cùng tất cả mọi người một mùa xuân an khang, thịnh vượng, đầm ấm và hạnh phúc, một năm mới nhẹ nhàng, yên vui.

Kỷ sửu xuân về vui khắp nơi
Năm trâu làm ăn rủng rỉnh tiền
Năm mới xuân sang đời tươi rói
Làm ăn tấn tới dạ thảnh thơi.

Con trâu và nền văn hóa Việt


     Tết Kỷ Sửu và năm con Trâu đã đến. Trong 12 con giáp, Trâu có lẽ là con vật gần gũi, có ích, liên quan mật thiết nhất với cả đời sống áo cơm và đời sống tâm linh của người Việt.

     Hồ Tây, một thắng cảnh của Hà Nội, trước khi mang tên Dâm Đàm (hồ Mù Sương) ở thời Lý, Đoái hồ, Tây hồ (hồ ở phía tây kinh thành) dưới thời Lê, đã từng mang tên hồ Trâu, hồ Trâu vàng... Một câu thơ cổ còn nhắc nhở:

Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục,
Long đỗ nhưng lưu bách chiến thành.
(Hồ Trâu đã trải ba triều đại,
Thành (bách) chiến còn lưu đất Rốn Rồng).

     Ở Hồ Trâu và dòng sông Kim Ngưu - một nhánh sông Tô chảy bao quanh phía nam Hà Nội, từ tây sang đông - còn gợi lại một huyền tích của thời kỳ thần thoại Việt Nam:

     Ở vùng đầm lầy chân núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con Trâu vàng náu mình. Một pháp sư dùng gậy (tích trượng) yểm trên trán trâu. Trâu vùng vằng lồng chạy xuống phía nam, quần nát cả một vùng Khoái Châu lầy lội, vùng ấy sau gọi là Vũng trâu đằm. Chưa hết cơn giận dữ, Trâu lại bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía bắc, đường do vết chân trâu dẫm lún thành sông Kim Ngưu. Rồi trâu chạy vòng vo làm sụt cả một vùng thành đầm hồ và ẩn kín dưới nơi ấy, đó là hồ Trâu Vàng. Tương truyền nhà ai sinh được mười trai thì 10 chàng trai đó sẽ kéo được Trâu vàng lên mà hưởng phúc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng nhà ai đủ mười trai... (Xem Lĩnh Nam chích quái).

     Huyền thoại 1à một cách thức, tư duy, cảm nghĩ của người xưa, đầy mộng mơ siêu thực song và vẫn bắt nguồn từ hiện thực...

     Trâu là loài sinh vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy - ấm - ẩm, vốn sinh sống thành bầy, có thủ lĩnh đầu đàn. Quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại trâu ăn. Trâu rừng (Bubalus bubalis), tổ tiên của các loại trâu nhà, vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông Nam Á nhiệt đới - gió mùa – thấp ẩm. Cách đây không lâu, trâu rừng còn tồn tại khá phổ biến ở miền trung nước ta.

     Đến cuối thời đá mới, cách ngày nay 5.000 - 6.000 năm cùng với sự ra đời của nghề nông trồng lúa ở các thung lũng chân núi và đông bằng ven biển, con trâu đã được thuần phục và thuần dưỡng. Xương trâu bò nhà đã được giới khảo cổ học tìm thấy phổ biến trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Tiên Hội, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Đậu (Phú Thọ và nhiều nơi khác. Đầm lầy, môi trường sinh thái của loài trâu, cũng là quê hương của loài lúa. Con trâu và cây lúa gắn bó với nhau, từ thời hoang dại cũng như từ lúc được con người thuần dưỡng, như một câu thành ngữ Thái:

Nhinh chăm trai, quai chăm cả.
(gái gần trai, trâu gần mạ).

     Trâu được sử dụng cùng với người vào việc dẫm nát cỏ, sục bùn trong ruộng để sửa soạn đất đai trồng lúa. Lề lối canh tác mà sách cổ gọi là “thủy nậu” (cày bằng nước, đưa nước và ruộng rồi lùa trâu xuống dẫm cỏ, sục bùn) này, cho tới trước sau Cách mạng Tháng 8 vẫn từng phổ biến trong các thung lũng Thái – Mường, miền Tây Bắc.

     Hàng trăm lưỡi cày đồng các loại thuộc nền văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công Nguyên) tìm thấy ở Cổ Loa và nhiều nơi khác đã được giới khảo cổ học Việt Nam cày thực nghiệm bằng trâu kéo trên chín loại đồng đất khác nhau của miền châu thổ sông Hồng...

     Kể từ thời đại vua Hùng, con Trâu trở thành một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam. Cảnh sắc thường thấy trong môi trường sinh thái - nhân văn Việt Nam là cảnh:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa



     Trâu kéo cày dưới thung đồng. Trâu kéo gỗ trên ngàn, kéo lết không cần xe bánh... Những đoàn xe câu đi trên đường Trường Sơn, từ Quảng Bình tới Quảng Nam, đã được Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) mô tả kỹ lưỡng trong Kiến văn tiểu lục... Thảng hoặc, trâu còn được dùng trong chiến trận. Đinh Bộ Lĩnh và bày trẻ mục đồng trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say và lùa xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công…

Từ đời sống thực tại, con trâu đã đi vào đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.

Tượng trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... hơn ba nghìn năm trước.

     Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá nửa quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới ba nghìn năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Giữa đêm trường Bắc thuộc, sách Giao châu ký (thế kỷ 3) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nang véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm. Con Trâu hiện diện trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17-18.

     Hình sừng trâu gợi lên hình ảnh Trăng lưỡi liềm và được dùng làm biểu tượng của Trăng. Một huyền thoại của miền ven biển Việt Nam được ghi lại từ thế kỷ 6 trong sách Thủy kinh chú chép rằng: Huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngâm đáy nước) chúng thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước, sừng trâu sẽ cứng lại rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Đó là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng: Trăng với thủy triều và giống trâu nước có liên quan về thời tiết. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề chép rằng: Thời Trần, có Yết Kiêu, người Gia Lộc (Hải Dương), một hôm đi trên bờ biển thấy hai con trâu nước chọi nhau. Ông dùng đòn gánh phang, trâu lặn xuống nước mất tích. Thấy trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó ông có tài bơi lặn, đi lại dưới nước như đi trên cạn! Huyền thoại trâu nước là huyền thoại về Trăng và thủy triều, rất phổ biến cùng với tục thờ Trăng, thờ Trâu ở miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngày hội Trăng mùa thu ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây còn giữ tục lệ thi chơi trâu:

Dù ai buôn bán đâu đâu,
Mồng mười tháng Tám chọi trâu thi về!

     Tục lệ ấy là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ Trăng. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Chọi trâu hằng năm là để tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời - Đất - Con người...

     Xin chú thích thêm rằng các thầy đồ Nho học ngày xưa thường dạy học trò: “Ngưu là trâu, mã là ngựa...”. Đó là một sự hiểu lầm. Người Hoa khởi nguồn từ miền hoàng thổ khô hạn vùng Hoa Bắc, lưu vực Hoàng Hà, ở đó chỉ, có giống bò và “ngưu” chỉ có nghĩa là “bò”. Triển nở và bành trướng xuống miền nam, người Hoa mới thấy con trâu và mệnh danh nó là “thủy ngưu” (bò nước) hay “hắc ngưu” (bò đen).

     Quê hương của trâu là miền đầm lầy ở ASEAN và nó là một nét đặc trưng không thể nào lu mờ của bản sắc văn hóa khu vực ASEAN.

Đặng Trung Thành
(Tổng hợp từ Internet)

Bay Hà Nội - TP.HCM vào dịp tết với giá 450 nghìn đồng


     Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam – Jetstar Pacific vừa công bố đơn vị này sẽ triển khai chương trình bán vé rẻ trên một số chuyến bay nội địa trong giai đoạn Tết Nguyên Đán – Kỷ Sửu 2009.

     Theo đó, từ ngày 16/1 đến 26/1/2009 vé máy bay được bán với mức giá từ 150 nghìn đồng/chặng giữa Đà Nẵng - TP.HCM; từ 450 nghìn đồng/chặng giữa Hà Nội - TP.HCM.

     Chiều từ TP.HCM đi Hà Nội và Đà Nẵng, vé được mở bán cho các chuyến bay khởi hành trong giai đoạn từ 29/1 đến 6/2/2009.

     Bà Nguyễn Thị Thúy Bình – Phó Tổng Giám đốc Thương mại Jetstar Pacific cho biết: "Giờ đây, thay vì con cái có thể ra bắc ăn Tết cùng bố mẹ thì họ có thể lựa chọn cách mới là đón bố mẹ vào ăn tết cùng con cái để tiết kiệm chi phí thông qua chương trình bán vé rẻ của Jetstar Pacific"

    Cũng theo bà Bình, đợt bán vé rẻ này là một trong những chương trình hành động nhằm kích thích nhu cầu đi lại trên các chuyến bay lệch đầu.

     Để biết thêm chi tiết, hành khách có thể truy cập vào www.jetstar.com hoặc điện thoại đến Tổng đài 39.550550 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 3.583583 tại Đà Nẵng để được phục vụ.

(TX)