LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

26 tháng 1, 2009

Con trâu và nền văn hóa Việt


     Tết Kỷ Sửu và năm con Trâu đã đến. Trong 12 con giáp, Trâu có lẽ là con vật gần gũi, có ích, liên quan mật thiết nhất với cả đời sống áo cơm và đời sống tâm linh của người Việt.

     Hồ Tây, một thắng cảnh của Hà Nội, trước khi mang tên Dâm Đàm (hồ Mù Sương) ở thời Lý, Đoái hồ, Tây hồ (hồ ở phía tây kinh thành) dưới thời Lê, đã từng mang tên hồ Trâu, hồ Trâu vàng... Một câu thơ cổ còn nhắc nhở:

Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục,
Long đỗ nhưng lưu bách chiến thành.
(Hồ Trâu đã trải ba triều đại,
Thành (bách) chiến còn lưu đất Rốn Rồng).

     Ở Hồ Trâu và dòng sông Kim Ngưu - một nhánh sông Tô chảy bao quanh phía nam Hà Nội, từ tây sang đông - còn gợi lại một huyền tích của thời kỳ thần thoại Việt Nam:

     Ở vùng đầm lầy chân núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con Trâu vàng náu mình. Một pháp sư dùng gậy (tích trượng) yểm trên trán trâu. Trâu vùng vằng lồng chạy xuống phía nam, quần nát cả một vùng Khoái Châu lầy lội, vùng ấy sau gọi là Vũng trâu đằm. Chưa hết cơn giận dữ, Trâu lại bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía bắc, đường do vết chân trâu dẫm lún thành sông Kim Ngưu. Rồi trâu chạy vòng vo làm sụt cả một vùng thành đầm hồ và ẩn kín dưới nơi ấy, đó là hồ Trâu Vàng. Tương truyền nhà ai sinh được mười trai thì 10 chàng trai đó sẽ kéo được Trâu vàng lên mà hưởng phúc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng nhà ai đủ mười trai... (Xem Lĩnh Nam chích quái).

     Huyền thoại 1à một cách thức, tư duy, cảm nghĩ của người xưa, đầy mộng mơ siêu thực song và vẫn bắt nguồn từ hiện thực...

     Trâu là loài sinh vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy - ấm - ẩm, vốn sinh sống thành bầy, có thủ lĩnh đầu đàn. Quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại trâu ăn. Trâu rừng (Bubalus bubalis), tổ tiên của các loại trâu nhà, vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông Nam Á nhiệt đới - gió mùa – thấp ẩm. Cách đây không lâu, trâu rừng còn tồn tại khá phổ biến ở miền trung nước ta.

     Đến cuối thời đá mới, cách ngày nay 5.000 - 6.000 năm cùng với sự ra đời của nghề nông trồng lúa ở các thung lũng chân núi và đông bằng ven biển, con trâu đã được thuần phục và thuần dưỡng. Xương trâu bò nhà đã được giới khảo cổ học tìm thấy phổ biến trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Tiên Hội, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Đậu (Phú Thọ và nhiều nơi khác. Đầm lầy, môi trường sinh thái của loài trâu, cũng là quê hương của loài lúa. Con trâu và cây lúa gắn bó với nhau, từ thời hoang dại cũng như từ lúc được con người thuần dưỡng, như một câu thành ngữ Thái:

Nhinh chăm trai, quai chăm cả.
(gái gần trai, trâu gần mạ).

     Trâu được sử dụng cùng với người vào việc dẫm nát cỏ, sục bùn trong ruộng để sửa soạn đất đai trồng lúa. Lề lối canh tác mà sách cổ gọi là “thủy nậu” (cày bằng nước, đưa nước và ruộng rồi lùa trâu xuống dẫm cỏ, sục bùn) này, cho tới trước sau Cách mạng Tháng 8 vẫn từng phổ biến trong các thung lũng Thái – Mường, miền Tây Bắc.

     Hàng trăm lưỡi cày đồng các loại thuộc nền văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công Nguyên) tìm thấy ở Cổ Loa và nhiều nơi khác đã được giới khảo cổ học Việt Nam cày thực nghiệm bằng trâu kéo trên chín loại đồng đất khác nhau của miền châu thổ sông Hồng...

     Kể từ thời đại vua Hùng, con Trâu trở thành một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam. Cảnh sắc thường thấy trong môi trường sinh thái - nhân văn Việt Nam là cảnh:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa



     Trâu kéo cày dưới thung đồng. Trâu kéo gỗ trên ngàn, kéo lết không cần xe bánh... Những đoàn xe câu đi trên đường Trường Sơn, từ Quảng Bình tới Quảng Nam, đã được Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) mô tả kỹ lưỡng trong Kiến văn tiểu lục... Thảng hoặc, trâu còn được dùng trong chiến trận. Đinh Bộ Lĩnh và bày trẻ mục đồng trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say và lùa xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công…

Từ đời sống thực tại, con trâu đã đi vào đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.

Tượng trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... hơn ba nghìn năm trước.

     Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá nửa quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới ba nghìn năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Giữa đêm trường Bắc thuộc, sách Giao châu ký (thế kỷ 3) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nang véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm. Con Trâu hiện diện trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17-18.

     Hình sừng trâu gợi lên hình ảnh Trăng lưỡi liềm và được dùng làm biểu tượng của Trăng. Một huyền thoại của miền ven biển Việt Nam được ghi lại từ thế kỷ 6 trong sách Thủy kinh chú chép rằng: Huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngâm đáy nước) chúng thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước, sừng trâu sẽ cứng lại rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Đó là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng: Trăng với thủy triều và giống trâu nước có liên quan về thời tiết. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề chép rằng: Thời Trần, có Yết Kiêu, người Gia Lộc (Hải Dương), một hôm đi trên bờ biển thấy hai con trâu nước chọi nhau. Ông dùng đòn gánh phang, trâu lặn xuống nước mất tích. Thấy trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó ông có tài bơi lặn, đi lại dưới nước như đi trên cạn! Huyền thoại trâu nước là huyền thoại về Trăng và thủy triều, rất phổ biến cùng với tục thờ Trăng, thờ Trâu ở miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngày hội Trăng mùa thu ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây còn giữ tục lệ thi chơi trâu:

Dù ai buôn bán đâu đâu,
Mồng mười tháng Tám chọi trâu thi về!

     Tục lệ ấy là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ Trăng. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Chọi trâu hằng năm là để tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời - Đất - Con người...

     Xin chú thích thêm rằng các thầy đồ Nho học ngày xưa thường dạy học trò: “Ngưu là trâu, mã là ngựa...”. Đó là một sự hiểu lầm. Người Hoa khởi nguồn từ miền hoàng thổ khô hạn vùng Hoa Bắc, lưu vực Hoàng Hà, ở đó chỉ, có giống bò và “ngưu” chỉ có nghĩa là “bò”. Triển nở và bành trướng xuống miền nam, người Hoa mới thấy con trâu và mệnh danh nó là “thủy ngưu” (bò nước) hay “hắc ngưu” (bò đen).

     Quê hương của trâu là miền đầm lầy ở ASEAN và nó là một nét đặc trưng không thể nào lu mờ của bản sắc văn hóa khu vực ASEAN.

Đặng Trung Thành
(Tổng hợp từ Internet)

Không có nhận xét nào: