LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

9 tháng 11, 2010

Di cư và đô thị hóa: không còn những ‘cánh đồng bất tận’

Những ‘cánh đồng bất tận’, theo nghĩa đen, đang ngày càng thu hẹp dần và những bàn chân ‘vất vơ kiếm sống ở thị thành’ đang ngày càng nhiều lên. 

 Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp khiến cho nông dân phải đổ ra thành thị kiếm sống. 
(Ảnh chụp tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh - Anh Đức)
 
Ly nông

“Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành.”

Nguyễn Ngọc Tư đã viết như thế trong truyện ‘Cánh đồng bất tận’, đã được dựng thành phim, và trình chiếu mấy ngày gần đây, gây nên những bàn tán sôi nổi.

Mặc dù rất nhiều nhà phê bình phân tích về tác phẩm văn học nổi tiếng này, nhưng ít người nhìn ra khía cạnh thay đổi của nông thôn Việt Nam và người nông dân bị bứt khỏi ruộng đồng, trong đó không ít người bị tha hóa, bị bần cùng hóa và trở nên cuồng bạo với chính đồng loại của mình. Và một tương lai đầy bấp bênh.

Ly nông đã và đang là thực trạng nổi bật nhất trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho những dự án đô thị hóa mọc lên rầm rập.

Bức tranh đô thị hóa ở Việt Nam khá đặc biệt: đô thị tiến về nông thôn về phương diện vật chất, và nông thôn tiến về đô thị về phương diện con người.

Lao động giản đơn

Báo cáo Chất lượng sống của người di cư ở Việt Nam, xuất bản năm 2006, cho thấy tới gần một nửa, 41%, người di cư làm các công việc lao động giản đơn.

Giản đơn vì phần đông những người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn trước đây không kịp và không được trang bị kiến thức chuyên môn để chuyển đổi nghề nghiệp. Họ tỏa đi khắp các thành phố lớn, làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Cùng với việc mở rộng địa giới Hà Nội từ tháng 8 năm 2008, thành phố thủ đô chứng kiến một lưu lượng người ồ ạt đổ về thành phố trong vòng hai năm qua. Anh Thanh Hùng, trưởng ban Kinh tế, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội giải thích: “Nhiều đất đai ở các vùng ven nội và tỉnh lân cận Hà Nội đã được quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án, người dân buộc phải dồn vào nội đô tìm kiếm việc làm, càng làm tăng sức ép về nhà cửa, môi trường và giao thông đô thị.”

Sự gia tăng tỉ lệ lao động giản đơn lại tỉ lệ nghịch với chất lượng của lực lượng lao động nhập cư tạm thời hoặc lâu dài ở các thành phố. Những nghề nghiệp được liệt kê chủ yếu là: mua bán phế liệu, khuân vác, thợ xây, giúp việc gia đình, chạy chợ…, hoặc có trình độ hơn một chút là làm nghề thủ công.

Một mặt, sự di cư của lực lượng này đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, nhưng mặt khác, nó cho thấy sự mất cân xứng rõ rệt. Những người nhập cư thường bị định kiến và đổ lỗi là gắn liền với tiêu cực, tệ nạn xã hội và ảnh hưởng tới văn hóa xuống cấp ở thành phố.

“Đủ ăn mới nghĩ đến văn hóa”

Cũng theo báo cáo về di cư, lý do vì công việc chiếm tỉ lê cao nhất. Hơn 36% cho biết họ chuyển đi vì tìm được việc ở nơi ở mới. Kế tiếp là cải thiện điều kiện sống.

Hà Nội là nơi mang lại thu nhập cao nhất với 21% người được hỏi nói họ có thu nhập cao hơn rất nhiều, 61% nói thu nhập cao hơn. Tiếp theo đó là thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Một trong những chuyên gia nghiên cứu về di cư, Phó giáo sư Đặng Nguyên Anh ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói: “Người di cư cần thời gian để ổn định cuộc sống ở nơi ở mới, kiếm được đủ ăn, rồi mới nghĩ tới việc hưởng thụ tinh thần và thay đổi văn hóa.”

Điều này cũng có thể giải thích cho tỉ lệ 24% nói rằng học vấn của họ đã được nâng lên, trong khi phần lớn (65%) nói rằng vẫn như cũ.

Tuy nhiên, những con số không cho thấy nhu cầu thực sự của người di cư. Chị Lan, quê Thanh Hóa, thuê nhà ở Gia Lâm để đi làm công nhân trên địa bàn đã được bốn năm. Chị kể, ngoài giờ làm việc, thời gian chủ yếu là ‘dán mắt’ vào cái tivi - phương tiện giải trí duy nhất, mà “không thể tưởng tượng được nếu thiếu nó dù chỉ một ngày”. Một bức xúc nữa mà chị Lan tâm sự, là nhiều người trong xóm trọ như chị bị gạt ra ngoài mỗi khi địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa tại địa bàn.

Thương nhớ đồng quê

Ông Đặng Nguyên Anh nói: “Những vấn đề về di cư ở Việt Nam đến nhanh hơn, do sức ép của dân số và sự thúc bách của tốc độ đô thị hóa. Trong đó, lao động nữ là một vấn đề nổi cộm. Nhưng chính sách thì thường đến chậm. Do đó, nói chung người dân phải tự xoay sở là chính.”

Gần 48% người di cư cho biết họ có sự cải thiện về chăm sóc sức khỏe, nhưng có tới 35% cho rằng điều đó không thay đổi, và 14% nói việc chăm sóc sức khỏe thậm chí còn tệhơn.

Tuy nhiên, với tinh thần ‘tự xoay sở’ của người di cư nói chung, mức độ hài lòng với cuộc sống của họ vẫn khá cao, 73% nói rằng thu nhập của họ được cải thiện. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng lượng di cư sẽ tiếp tục tăng và chính phủ cần chuẩn bị cho các đợt di cư lớn.

Chúng tôi có dịp nói chuyện với một số chị phụ nữ ở Hoài Đức, một huyện ngoại thành về hướng Tây của Hà Nội. Trong số họ, người chạy chợ trong nội đô, người có quán nước ở mặt đường mới mở, người thì mở tiệm Internet. Các chị nói, đất bỏ hoang cả rồi, cỏ mọc um tùm không ai cắt, không đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu mà làm gì, tất cả đều trong tình thế ‘ngồi chờ dự án’. Nhiều người tìm việc thời vụ ở thành phố, tranh thủ dành dụm ít tiền, để lo cho con cái học hành, có được cái nghề sau này.

Những ‘cánh đồng bất tận’, theo nghĩa đen, đang ngày càng thu hẹp dần, và những bàn chân ‘vất vơ kiếm sống ở thị thành’ đang ngày càng nhiều lên. Nói như vậy không phải để phản đối đô thị hóa. Vấn đề là các chính sách phát triển cần phải nhìn vào số phận của những bàn chân cụ thể ấy, thay cho việc chạy theo tăng trưởng và sự cưỡng bức đạt lấy những con số vĩ mô.
 
Anh Đức