LỜI NGỎ

Chào mừng các bạn đến với Web Blog của tôi. Tôi lập trang Weblog này để nói về cuộc sốngkiến trúc. Hai khái niệm hết sức trừu tượng, bao hàm cả thế giới xung quanh ta. Rất hy vọng các bạn sẽ thưởng thức và tìm thấy những điều lý thú, bổ ích cho mình và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các bạn. Cám ơn rất nhiều!

11 tháng 2, 2009

Tết Nam Bộ xưa: Ba cuộc gặp lớn



Với người miền Nam xưa, mong sang Năm mới giàu có như các phú hộ Sĩ, Phương, Xường, Định hay như công tử Bạc Liêu là một ao ước gì đó thật xa vời so với nếp nghĩ quen giản đơn của họ. Nhưng Tết thì dù nghèo đến mấy, người ta vẫn phải lo cho nó thật thiêng liêng và trang trọng.

Trên tinh thần đó, Tết cổ truyền miền Nam - trước hết là Tết của gia đình, họ hàng, thân tộc. Đã thành tập quán, "tháng Giêng ăn tết ở nhà" nên dù ai ở bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, cứ năm hết Tết đến cũng đều mong được trở về sum họp gia đình. Tết đã nối gần bao khoảng cách: Người Cà Mau lên Sài Gòn làm ăn, hễ tới ngày Rằm tháng Chạp, đã ngoái cổ bồn chồn ngóng nhìn về quê và bằng mọi giá phải tìm cách trở về.

Theo quan niệm dân gian ở miền Nam, 3 ngày Tết là phải có đủ 3 cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng ở ngay trong một gia đình. Trước hết là cuộc gặp với các vị thần linh, không cao xa, huyền bí như ở các đền, miếu mà là 3 vị gia thần: Tổ sư (Tổ nghề), Thổ công (Ông Địa) và Táo quân (hay thần Bếp). Cuộc gặp thứ hai là với những người thân đã quá cố và ai cũng mong là họ sẽ trở về chung vui với con cháu qua mâm cỗ cúng. Cuộc gặp thứ ba là họp mặt gia đình. 

Vì vậy, như ở mọi nẻo đường Việt, Tết Nam Bộ cũng vẫn là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên.

Hoa và quả

Trong mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên rất quan trọng. "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", đạo lý ấy đã kết đọng lại trong mọi hình thức tưởng niệm bên bàn thờ. Cúng ông bà bao giờ cũng phải trang nghiêm, dù người ta có thể đang túng bấn.

Ở Nam Bộ, Tết về với bàn thờ gia tiên là qua mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung; ngụ ý mong Năm Mới được sung túc hoặc chỉ cầu vừa đủ xài. Ngoài ra, người ta còn chưng cúng những loại trái cây có ý nghĩa: Mận, điều, táo (Để mong gạo nếp đầy bồ); lê (Làm việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ); lựu (Con đàn cháu đống), đào (Học đâu đỗ đó, thăng quan tiến chức); bưởi (Mong người già khoẻ mạnh, sống lâu); thơm - dứa (Gia đình quyền quí, cao sang, tiếng thơm muôn đời) và quýt, tắc (Tài lộc phát hưng). 

Cuối cùng là quả dưa hấu. Cúng dưa hấu hàm ý xanh vỏ đỏ lòng, mong con người hãy lao động vững chí tự lực cánh sinh. Trái dưa chưng trên bàn thờ thường dán mảnh giấy đỏ viết chữ Phúc (có phước) hoặc chữ Cát (tốt lành) bằng Hán tự. Ngoài ra còn có đĩa trầu, quả cau và bình vôi, tượng trưng cho tình nghĩa mặn nồng, keo sơn theo quan niệm dân gian.

Bánh tét là món ăn truyền thống. Cũng được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo như bánh chưng của miền Bắc nhưng bánh tét được gói bằng lá chuối và tết thành những đòn dài - Cứ 2 đòn cột thành một cặp, với mong muốn một năm mới toàn vẹn đủ đầy, gia đình sum họp, hạnh phúc.

Người miền Nam xa xưa đã biết chơi cây kiểng trong mùa Tết. Cây mai ở miền Nam có thân cứng, nhánh toả mảnh khảnh, gân guốc, hoa màu vàng nở rộ vào tháng Chạp và đầu tháng Giêng âm lịch. Mai mang nét tổng hợp giữa cương và nhu, ngoại diện tuy khắc khổ nhưng nội tâm sâu sắc, lãng mạn. Hoa mai chính là biểu tượng của mùa Xuân tươi trẻ, rạo rực sức sống. 

Sắm Tết ở quê

Cái phóng khoáng và tật ăn chơi ngút trời của dân Nam Bộ liệu có đem lại một diện mạo gì khác cho phong tục mua sắm và đi chợ Tết thời bấy giờ?

Một phần công đầu tiên có lẽ thuộc về mấy ông Hoa kiều Quảng Đông. Một số nhà sưu khảo nói rằng hồi đó, những cửa hiệu tạp hóa (điếm) đã trở thành một phần nhu cầu trong việc mua sắm Tết của người dân miền Nam; bởi họ thích những gì nhanh chóng, tiện lợi mà gần gũi. 

Người Hoa giỏi mua bán, tính toán đã nắm được nhu cầu và ý thích của người tiêu dùng ở miền Nam thuở trước. Bằng chứng: Theo thời gian, chữ điếm mất dần phụ âm đầu, dân khẩn hoang chỉ giữ âm tiết cuối và đọc trại đi là tiệm. Nhưng cũng đừng quên có một cách giải thích khác, giản đơn hơn nhiều mà chưa được kiểm chứng: Người Nam Bộ vốn "làm biếng" trong câu chữ, đọc sao thấy tiện, thấy nhanh là được và đó cũng chính là thói quen sắm Tết của họ.

Cũng theo ký ức nhiều bậc lão niên, những tiệm chạp phô bấy giờ thôi thì bán tả pí lù đủ thứ. Nếu rủng rỉnh tiền đã có phong bánh ngọt, thẻ đường phèn ăn cho mát miệng. Vậy là người dân đất ruộng vườn chẳng cần đi đâu cho xa, cứ gần Tết ra tiệm chạp phô ở đầu kênh, mua một lần là đủ xài suốt mấy ngày đầu năm, từ miếng ăn cho đến phong bao lì xì đỏ chói.

Người dân Nam Bộ quen với cách sống phóng khoáng, hào sảng; họ đâu để ý chi đến chuyện bỏ bạc cắc ra sắm Tết nhiều lần? Tiền, dành dụm một năm do làm ruộng hay đi làm ăn xa là đã quá đủ để mua một lần cho sướng! Tiền, hàng hóa ngày thường, và cả ngày Tết, qua đó đã luân chuyển, xoay vòng và như một mắt xích giúp cho các lưu dân sống nương tựa vào nhau. Nhưng điều cốt lõi nhất là vẫn cần một chữ tín. Người ta nhiều khi mua được hàng Tết thiếu chịu sang được tới tận sau Năm Mới, nhưng một khi đã hứa, là phải trả!

Chiều 23 Tết, người quê nghèo có thể mua từng món hàng mã, từng ký than nướng bánh bông lan, vài cái ống khói đèn để chăm chút mâm cỗ chiều 30. Thể nào người bán cũng dễ dãi cười khà khi phát hiện ra thằng cháu nhỏ mua hàng có lén quệt một miếng đường mật để đưa vào miệng mút vội ngon lành. Nhưng với Tết ở miền Nam, bao giờ người ta cũng cười xòa xí xóa cho nhau.

Cười xòa như khi người ta chèo ghe hay xuồng từ làng này sang làng khác để chúc Tết, cười xòa như khi đi trên cầu khỉ chênh vênh với tấm áo mới tinh khôi, và cười xòa bên chén nước trà tươi thoảng đậm đà tình làng nghĩa xóm… 

(Thúy Tân)

Không có nhận xét nào: